Các nhà khảo cổ Anh đã phát hiện ra một ngôi nhà cổ đại ở gần Stonehenge, với niên đại lâu đời hơn công trình biểu tượng này tới hơn 1.000 năm. Giờ đây, các nhà môi trường học đang tỏ ra lo ngại rằng một đường hầm chuẩn bị được xây dựng có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới khu di tích này.
Các nhà khảo cổ học cho biết ngôi nhà tiền sử được xây dựng cách đây khoảng 6.300 năm, tức là lâu đời hơn Stonehenge ít nhất 1.300 năm.
Các nhà nghiên cứu đã gọi công trình này là ngôi nhà “sinh thái,” bởi một trong số những bức tường của ngôi nhà này là một thân cây đổ gắn đầy đá lửa.
Nhà khảo cổ học David Jacques đến từ đại học Buckingham cho biết công trình này được xây dựng bởi người săn bắt - hái lượm ở thời đồ đá giữa. Ngoài ra, độ phức tạp của công trình cũng cao hơn rất nhiều so với những đánh giá từ trước tới nay đối với người ở thời này.
“Thay vì việc phải phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, về khía cạnh môi trường, họ lại rất chú ý và được trang bị nhiều kỹ năng cũng như hiểu biết tinh tế về địa hình. Họ đã nỗ lực thích nghi với nơi sinh sống của mình,” ông cho biết.
Nhà khảo cổ cũng cho biết cư dân cổ đã đặt những “tảng đá lớn” ở gần những bức tường của công trình này. Đây có thể là những “lò sưởi dự trữ” cổ đại, được làm nóng bằng lửa và đặt cạnh nơi ngủ của con người, thay vì để lửa cháy suốt đêm.
Đội đã tìm ra bằng chứng cho thấy ngôi nhà này là một công trình bán kiên cố được xây dựng trên cọc chôn sâu. Ngoài ra còn có một con đường rải sỏi dẫn tới một con suối ở gần đó, nơi cư dân tổ chức tế lễ.
Các nhà nghiên cứu tin rằng điểm khảo cổ có tên Blick Mead này có thể nắm giữ chìa khóa để tìm hiểu về quá trình con người bắt đầu sinh sống ở Anh, bởi họ đã tìm thấy những dấu hiệu định cư diễn ra liên tục từ năm 7600 tới 4246 TCN - gần với thời gian Anh trở thành một hòn đảo.
Jacques cũng cho rằng tầm quan trọng của di tích này có thể là một lý do vì sao Stonehenge được xây dựng.
“Đây là di tích định cư liên tục thuộc thời đồ đá giữa duy nhất ở Tây Âu, và chúng tôi tin rằng những nơi giống như ngôi nhà ‘sinh thái’ này chính là nơi sinh sống của những người Anh đầu tiên. Blick Mead có một điều gì đó khiến cho nhiều thế hệ không ngừng quay trở lại nơi này, nơi hình thành Stonehenge,” Jacques cho biết.
“Các chuyên gia cho rằng những người từng sống trong những ngôi nhà tương tự có thể chính là cha ông của những người đã xây dựng nên Stonehenge,” Jacques nói thêm.
Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật từng được người ở thời kỳ đồ đá sử dụng ở khu vực xung quanh nơi đây. Trong số này có khoảng hơn 20.000 công cụ đánh lửa, một công cụ bào mịn da động vật, một đầu tên bằng đá của Cornwall hoặc Wales, những miếng đá lửa đã cháy và hơn 2.400 mảnh xương động vật. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ đang rất lo ngại trước kế hoạch xây dựng một đường hầm lớn cách phát hiện mới này chỉ khoảng 15m.
“Tôi rất lo ngại rằng bất kỳ sự giảm mức nước ngầm nào ở con suối này và bất kỳ nơi nào khác trong thung lũng Avon có thể là mối đe dọa đối với các di tích khảo cổ hữu cơ chứa nước hết sức quan trọng, cũng như các bằng chứng môi trường cổ tại đây,” Jacques cho biết.
Khu vực lân cận với Stonehenge ở phía tây nước Anh đã mang lại cho các nhà khảo cổ nhiều phát hiện trong vòng vài tháng qua.
Vào tháng 9, các nhà khảo cổ đã tìm ra một công trình dùng để làm lễ ở gần bờ đất nhiều rêu, chỉ cách khu vực khảo cổ 3km.
Hội trường này dù được cho là đã được xây dựng trong thời kỳ đồ đá mới, song nếu vẫn còn tồn tại, nó sẽ nhìn thẳng ra phía sông Avon.
Các nhà khoa học nghiên cứu khu vực này đã tìm thấy hơn 30 hòn đá còn nguyên vẹn, trong đó có những hòn cao tới 4,5m, với các mảnh của 60 hòn đá khác cũng như các hố móng ở gần đó.
“Những gì chúng ta đang thấy chính là di tích đồ đá lớn nhất còn lại tới nay từng được phát hiện tại Anh và thậm chí là tại châu Âu, được bảo quản tốt bởi bờ sông Avon,” nhà khảo cổ Vince Gaffney đến từ đại học Bradford cho biết.
“Đây là một yếu tố mới liên quan tới quá trình hình thành cảnh quan Stonehenge,” ông cho biết thêm./.