Phát hiện một giống chim mới thời tiền sử ở miền Bắc Myanmar

Các nhà khoa học đã phát hiện một mẫu hổ phách dài khoảng 3,5cm và nặng 5,5gram, trong đó chứa hóa thạch của một loài chim mới thời tiền sử với một ngón chân dài bất thường.
Hóa thạch loài chim tiền sử mới được phát hiện. (Nguồn: globaltimes.cn)

Một nhóm các nhà cổ sinh vật học từ trường Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, Bảo tàng Hoàng gia Saskatchewan (Canada) và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Los Angeles (Mỹ) đã phát hiện hóa thạch của một loài chim mới thời tiền sử ở khu vực miền Bắc Myanmar.

Theo kết quả báo cáo công bố trên chuyên san Current Biology, hóa thạch này được phát hiện trong mẫu hổ phách dài khoảng 3,5cm và nặng 5,5gram.

[Bằng chứng lâu đời nhất về sự di chuyển của sinh vật trên Trái Đất]

Các chuyên gia cho rằng hổ phách này hình thành từ cách đây gần 100 triệu năm trong giai đoạn đầu của thời kỳ Kỷ Phấn trắng muộn, trong đó phần hóa thạch xương của giống chim nói trên vẫn được bảo quản tốt.

Hình ảnh tái tạo con chim thời tiền sự với một ngón chân dài bất thường. (Ảnh: Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc)

Mẫu vật bao gồm một phần chi dài khoảng 3cm và lông của một con chim đã trưởng thành hoặc gần trưởng thành.

Bàn chân của con chim này có ngón thứ 3 dài hơn nhiều so với ngón thứ 2 và thứ 4, đồng thời khác hoàn toàn so với hình dạng những bàn chân của các loài chim thuộc thời kỳ Đại trung sinh (thuộc Kỷ Jura) và các loài động vật lông vũ được biết đến trên thế giới hiện đại.

Theo các nhà khoa học giống chim này nhỏ hơn nhiều so với chim sẻ. Ngón chân thứ 3 dài "bất thường" của nó có thể nhằm thích nghi tốt hơn với cuộc sống trên cây hoặc để săn mồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục