Kết quả phân tích những mẫu xương gấu được phát hiện tại Ireland cho thấy con người đã tồn tại ở hòn đảo lạnh giá này sớm hơn 2.500 năm so với giả thuyết trước đây.
Từ nhiều thập kỷ nay, giới khoa học vẫn tin rằng loài người bắt đầu xuất hiện ở Ireland từ năm 8.000 trước Công nguyên.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Khoa học Quaternary, nhóm nhà khoa học đến từ Viên nghiên cứu công nghệ Sligo (Ireland) khẳng định con người đã xuất hiện ở đây từ khoảng thời gian sớm hơn 2.500 năm so với mốc trên.
Để đi đến kết luận, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra lại các mẫu xương được tìm thấy trong một hang động ở County Clare trên vùng duyên hải rộng lớn của Ireland năm 1903.
Kết quả giám định niên đại mẫu xương đùi của một con gấu được cho là bị con người giết mổ cho thấy mẫu xương này đã tồn tại từ năm 10.500 trước Công nguyên, tức là 12.500 năm trước.
Các nhà khoa học cũng xác nhận vết cắt trên xương gấu do con người thực hiện cùng thời điểm gấu tồn tại.
Kết quả giám định một mẫu xương khác được gửi tới Đại học Oxford (Anh) cũng cho kết luận tương tự.
Với mốc thời gian mới này, con người đã xuất hiện tại Ireland từ thời kỳ Đồ đá hoặc thời kỳ Đồ đá cũ chứ không phải thời kỳ Đồ đá giữa như những hiểu biết trước đó.
Kết quả nghiên cứu mới này không chỉ góp phần mở ra những hiểu biết về lịch sử tồn tại của con người tại Ireland mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực nghiên cứu động vật học, từ đó các nhà khoa học sẽ có cái nhìn khác về tác động của con người trong quá trình tuyệt chủng của những loài động vật ở Ireland từ xa xưa./.