Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, khi chúng ta trải nghiệm những phức cảm như vừa giận vừa buồn hay cảm thấy khó chịu một cách thích thú, tất cả đều biểu lộ trên gương mặt của chúng ta một cách đặc biệt. Thực tế là số lượng những biểu cảm trên khuôn mặt có thể dễ dàng nhận biết nhiều gấp ba lần so với những hiểu biết trước đây.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích 21 biểu cảm gương mặt mà chúng ta thường dùng để bộc lộ cảm xúc và phát hiện ra một mô hình máy tính có thể phân biệt các biểu cảm này với độ chính xác cao dựa vào những thay đổi dù là nhỏ nhất của cơ mặt.
Những biểu cảm trên gương mặt này có 6 cảm xúc cơ bản được phát hiện từ lâu: vui vẻ, buồn bã, lo lắng, giận dữ, ngạc nhiên và khó chịu. 15 biểu cảm còn lại là sự kết hợp của những biểu cảm cơ bản trên. Ví dụ, một người có thể tỏ ra ngạc nhiên một cách vui vẻ, hoặc ngạc nhiên một cách giận dữ. Các nhà nghiên cứu gọi những trạng thái như vậy là cảm xúc phức hợp.
Những nghiên cứu về biểu cảm gương mặt này sẽ hữu ích trong việc nghiên cứu não người và hoạt động giao tiếp xã hội, cũng như thiết kế các hệ thống máy tính để giao tiếp với con người.
"Chúng tôi đã nghiên cứu những biểu cảm phức tạp hơn là chỉ thể hiện ‘vui’ hay ‘buồn.’ Chúng tôi đã tìm ra một sự nhất quán trong cách chúng ta sử dụng cơ mặt để bộc lộ 21 loại cảm xúc. Điều đó cho chúng tôi biết rằng 21 cảm xúc đó được bộc lột theo cùng một cách bởi gần như tất cả mọi người, ít nhất là những người trong cùng một nền văn hóa,” Aleix Martinez, nhà nghiên cứu nhận thức, phó giáo sư kỹ nghệ máy tính và điện tử (Đại học bang Ohio) cho hay.
Trong lịch sử, các nhà khoa học và triết gia đã nghiên cứu 6 cảm xúc cơ bản, nhưng lại chi rằng não người hoạt động chỉ với 6 cảm xúc đó, giống như vẽ một bức tranh chỉ với 6 màu cơ bản. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã chụp khoảng 5.000 bức ảnh của 230 sinh viên được yêu cầu thể hiện trên gương mặt những phản ứng cảm xúc với những tình huống như, “Bạn vừa nhận được một tin bất ngờ tuyệt vời” (ngạc nhiên một cách hạnh phúc) hoặc “Bạn ngửi thấy một mùi rất hôi” (khó chịu).
Để xác định những biểu cảm nào đủ khác biệt để luôn được nhận biết so với những biểu cảm khác, các nhà khoa học đã phân tích các bức ảnh bằng một chương trình máy tính gọi là Hệ thống Mã hóa Hoạt động Gương mặt (Facial Action Coding System - FACS). Được ưa chuộng bởi các nhà tâm lý học từ những năm 1970, chương trình FACS sẽ chia một biểu cảm thành các chi tiết nhỏ như nhướn mày hay nhăn mũi, và phân tích các cử động của cơ mặt để tạo ra biểu cảm đó.
Phân tích của FACS cho thấy cả 21 biểu cảm đều dùng một sự kết hợp hoạt động cơ mặt đặc biệt khác với những biểu cảm khác. Một mô hình máy tính về nhận biết gương mặt đã nhận dạng được 6 cảm xúc cơ bản với tỉ lệ chính xác 96,9%, và 15 phức cảm với tỷ lệ chính xác 76,9%.
Một số biểu cảm thường xuyên được nhận biết dễ dàng hơn những biểu cảm khác. Ví dụ, 99% những người tham gia nghiên cứu sử dụng cùng một loại cử động cơ mặt để biểu lộ cảm xúc vui vẻ, trong khi với những phức cảm như ngạc nhiên một cách vui vẻ, có 93% số người biểu lộ giống nhau.
Mặc dù tập hợp các biểu cảm này chủ yếu sẽ phục vụ cho nghiên cứu cơ bản về nhận thức, nhưng các nhà khoa học cho biết chúng cũng có thể có ích trong việc tìm hiểu nhận thức về phức cảm có bị thay đổi khi con người mắc các chứng rối loạn tâm lý như bệnh tâm thần phân liệt hay bệnh tự kỷ./.