Cho đến nay, giới khoa học biết rất ít về việc làm thế nào các tế bào sát thủ sẵn có trong hệ miễn dịch (NK) phát hiện được các tế bào đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, do các nhà nghiên cứu của Viện Karolinska (Thụy Điển) đứng đầu, đã chứng minh được rằng các tế bào NK phản ứng với một peptide (là một chuỗi dài các axit amin được cơ thể sản sinh ra với tác dụng sinh tổng hợp các loại protein) trên bề mặt của các tế bào nhiễm virus.
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí về tế bào Cell Reports, đã góp một mắt xích quan trọng vào những gì con người hiểu về cách hệ miễn dịch chống đỡ với COVID-19.
Tế bào NK là tế bào bạch cầu, là một phần của hệ miễn dịch bẩm sinh. Khác với các tế bào trong phản ứng miễn dịch đáp ứng, chúng có thể nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư cùng các tế bào nhiễm virus ngay khi lần đầu gặp các tế bào ác tính này.
Khả năng tiêu diệt đối phương của các tế bào NK phụ thuộc rất nhiều vào sự cân bằng giữa các thụ thể kích hoạt và ức chế của tế bào, có thể phản ứng với các phân tử khác nhau trên bề mặt các tế bào khác.
Nghiên cứu trên đã cho thấy tại sao một số tế bào NK được kích hoạt khi nhận ra một tế bào nhiễm virus SARS-CoV-2.
[Virus SARS-CoV-2 tiến hóa theo hướng dễ lây lan và né hệ miễn dịch]
Các tế bào nhiễm bệnh chứa một peptide từ virus, qua đó kích thích phản ứng ở tế bào NK, vốn có một thụ thể tiếp nhận ức chế đặc biệt gọi là NKG2A, có khả năng nhận diện peptide.
Tiến sỹ Quirin Hammer, Trung tâm Y học truyền nhiễm thuộc viện Karolinska, cho biết: “Các phát hiện trên rất quan trọng, cho phép các nhà khoa học hiểu cách thức các tế bào trong hệ miễn dịch nhận diện các tế bào nhiễm virus SARS-CoV-2. Điều này sẽ rất ý nghĩa khi theo dõi và nghiên cứu các biến thể mới của virus nhằm xác định hệ miễn dịch sẽ phản ứng với chúng như thế nào.”
Ông cho biết thêm rằng nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục đánh giá sự kết hợp của các tế bào NK mà một người có sẽ quyết định như thế nào đến mức độ nặng hay nhẹ của các triệu chứng bệnh khi người đó mắc COVID-19./.