Những người sinh ra trong chu kỳ Mặt Trời hoạt động "hiền hòa" có thể sống lâu hơn so với những người sinh ra trong thời kỳ thực thể vũ trụ này hoạt động "mạnh mẽ". Đây là kết luận nghiên cứu của các nhà khoa học Na Uy được đăng tải trên Tạp chí "Kỷ yếu của Hội Hoàng gia B" số ra ngày 7/1.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu nhân khẩu học của người dân Na Uy sinh từ năm 1676 đến năm 1878 kết hợp với quá trình quan sát hoạt động của Mặt Trời. Kết quả cho thấy tuổi thọ trung bình của những người sinh ra trong thời kỳ hoạt động của Mặt Trời đạt mức cực đại thấp hơn tới 5,2 năm so với những người sinh ra trong thời kỳ hoạt động của Mặt Trời ở mức "ôn hòa" nhất.
Chu kỳ hoạt động cực đại của Mặt Trời được đánh dấu bằng các luồng ánh sáng mạnh và bão từ. Khi thực thể này hoạt động ở mức cực đại sẽ làm gia tăng các vệt đen Mặt Trời, chùm lửa Mặt Trời và hiện tượng phun trào vật chất vành nhật hoa, làm gián đoạn thông tin liên lạc vô tuyến và truyền tải điện trên Trái Đất, phá hủy các vệ tinh và làm nhiễu các thiết bị định vị.
Hoạt động của Mặt Trời cũng liên quan đến mức độ sản sinh bức xạ tia cực tím (UVR)- một tác nhân môi trường ảnh hưởng tiêu cực tới sự sống và khả năng sinh sản của con người thông qua việc gây tổn hại cho tế bào và ADN.
Theo các nhà khoa học Na Uy, hoạt động của Mặt Trời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ, do đó sẽ làm giảm tuổi thọ trung bình của chúng sau này. Và sự ảnh hưởng này tác động tới các bé gái mạnh mẽ hơn so với các bé trai.
Nhóm nghiên cứu cũng cho thấy khả năng sinh sản của những phụ nữ sinh ra trong thời kỳ hoạt động của Mặt Trời đạt cực đại cũng giảm đáng kể so với nhóm đối chứng. Giả thuyết mà các nhà khoa học đưa ra để giải thích cho nguyên nhân này là do sự sụt giảm mạnh vitamin B do tia cực tím gây ra, sự thiếu hụt loại vitamin này trước khi sinh đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tật và tử vong cao hơn.
Nhóm nhà khoa học cho rằng cần tiến hành các nghiên cứu sâu hơn đối với người dân ở nhiều châu lục khác nhau, cũng như những người đang sống ở những vĩ độ khác nhau, trước khi trước khi đưa ra kết luận chính thức./.