Phát hiện mẩu xương ngón tay út cách đây gần 2 triệu năm

Một mẩu xương nhỏ từ ngón tay út của người nguyên thủy cách đây 1,85 triệu năm tìm thấy ở Đông Phi được xác định là xương của bàn tay cổ xưa nhất từ trước tới nay.
Những hình ảnh chụp xương tay người nguyên thủy cổ nhất được tìm thấy ở Olduvai Gorge, Tanzania và được cho là có hơn 1,85 triệu năm tuối. (Nguồn: M. Domínguez-Rodrigo/cbsnews.com)

Một mẩu xương nhỏ từ ngón tay út của người nguyên thủy cách đây 1,85 triệu năm tìm thấy ở Đông Phi được xác định là xương của bàn tay cổ xưa nhất từ trước tới nay.

Điều này đã được các nhà khoa học Tây Ban Nha công bố ngày 18/8.

Theo báo cáo trên, việc phát hiện mẩu xương ngón tay út cổ xưa đã giúp các nhà khoa học khám phá được mốc tiến hóa quan trọng của tổ tiên từ việc leo trèo để kiếm ăn tới khả năng sử dụng công cụ của người thợ săn.

Các nhà khoa học cho biết mẩu xương trên có chiều dài 3,6cm đã tiết lộ nhiều điều thú vị về hình thể và hành vi của con người thời kỳ đó.

Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà khoa học Manuel Dominguez-Rodrigo thuộc Viện Tiến hóa châu Phi có trụ sở ở Madrid, cho biết mẩu xương trên không chỉ cho phép các nhà khoa học có thêm kiến thức về giống người mang tên khoa học là OH 86, mà còn cho thấy bàn tay của con người thời kỳ đó lớn hơn bất kỳ bàn tay nào của con người được tìm thấy trước đây cũng như hiện nay.

Nhà nghiên cứu Dominguez-Rodrigo cho rằng bàn tay trên có cấu trúc giống tay người hiện đại với những đặc trưng như mỗi ngón có 3 đốt xương, nhiều đốt cong để thích nghi cho hoạt động leo trèo và đu cành, trong khi ngón tay cái dài hơn giúp cầm nắm mọi vật chính xác hơn và mở lòng bàn tay rộng hơn.

Theo ông Dominguez-Rodrigo, việc phát hiện bàn tay này sẽ cho biết thời điểm con người sống hoàn toàn trên mặt đất, cũng như thời điểm chính xác và cách sử dụng công cụ săn bắt một cách nhuần nhuyễn của tổ tiên xa xưa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục