Các nhà khoa học vừa phát hiện lõi băng lâu đời nhất thế giới ở Nam cực. Đây được coi là đầu mối cung cấp thông tin về sự biến đổi khí hậu trong tương lai.
Sau 5 năm tiến hành nghiên cứu và phân tích thực địa, các chuyên gia từ 22 nước trên thế giới đã phát hiện ra lõi băng đặc biệt này ở phía Đông của Nam cực. Lõi băng khoảng 1,5 triệu năm tuổi, gần gấp đôi tuổi của mẫu băng lâu đời nhất được công bố trước đó.
Chuyên gia Tas van Ommen thuộc Chi nhánh Nam cực Australia, cho biết họ đã sử dụng hệ thống radar trên không để chiếu sáng xuyên qua băng và phát hiện độ dày của chúng.
Sau khi tiến hành một số biện pháp đo lường nghiệp vụ, giới chuyên môn sử dụng những thông tin có được từ các lõi băng, ước tính sức nóng từ Trái Đất, sức nóng địa nhiệt, sau đó nghiên cứu cách tảng băng trôi để đánh giá độ tuổi của băng. Giới chuyên môn ước tính lõi băng mới phát hiện dày khoảng 3km.
Các nhà khoa học cho biết lõi băng mới phát hiện có thể cung cấp thông tin rất giá trị về tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất trong quá khứ và cả tương lai. Phát hiện cũng mở đường cho các công trình nghiên cứu tương tự trong thời gian tới./.