Phát hiện loại tế bào gốc mới ở da và xương người

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản công bố đã phát hiện một loại tế bào gốc mới trong da và xương ống tủy của người trưởng thành.
Ngày 19/4, nhóm các nhà nghiên cứu của trường Đại học Tohoku, Nhật Bản đã công bố kết quả nghiên cứu phát hiện một loại tế bào gốc trong da và xương ống tủy của người trưởng thành.

Kết quả trên được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành của Học viện Khoa học quốc gia Mỹ.

Nhóm các nhà khoa học do giáo sư Mari Dezawa đứng đầu, cho biết tế bào mới, còn gọi là tế bào Muse, sẽ là nguồn cung cấp mới tế bào gốc cho nghiên cứu khoa học và điều trị.

Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ khai thác được tế bào gốc từ tế bào mầm phôi và tế bào toàn năng nhân tạo.

Quá trình nghiên cứu cho thấy tế bào Muse tuy có tỷ lệ phát triển ít hơn so với tế bào mầm phôi và tế bào toàn năng nhân tạo, nhưng ít có nguy cơ biến chứng ác tính. Điều này giúp cho việc áp dụng vào quá trình chữa trị thực nghiệm cao hơn.

Nhóm các nhà nghiên cứu chú ý tới tế bào Muse khi họ nhận ra tế bào này có sự tương đồng với tế bào mầm phôi.

Sau khi chiết cấy, tế bào Muse chuyển hóa thành một số chuỗi, bao gồm cả tủy, cơ và gan.

Trong quá trình thí nghiệm trên chuột, khi cấy tế bào Muse vào các vùng da, cơ và gan chuột bị hỏng, các nhà khoa học nhận thấy tế bào Muse chuyển hóa thành chuỗi thích hợp, và ngừng sinh sôi sau hai tuần. Đây là sự khác biệt lớn so với việc cấy tế bào mầm phôi và tế bào toàn năng.

Ngoài ra, tế bào Muse khi được cấy vào tinh hoàn chuột không bị ác tính sau sáu tháng, trong khi tế bào mầm phôi sẽ tạo ra các khối u sau tám tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục