Các nhà khoa học Israel cùng các đồng nghiệp từ Mỹ vừa phát triển liệu pháp điều trị kháng thể mới, có khả năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể, tấn công mạnh mẽ các tế bào ung thư, từ đó ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của chúng.
Theo thông báo từ Viện Khoa học Weizmann (WIS) của Israel, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra cơ chế đặc biệt của ung thư vú bộ 3 âm tính (TNBC) - dạng ung thư vú cực kỳ khó điều trị. Cụ thể, các tế bào ung thư này kích thích tế bào miễn dịch xung quanh tạo ra những "cầu phân tử" trong môi trường khối u.
Những cầu này, tuy vô hình, nhưng lại đóng vai trò ngăn chặn sự tấn công của hệ miễn dịch, dẫn đến sự ức chế phản ứng miễn dịch và tạo điều kiện cho khối u phát triển.
Điều đáng chú ý là nhóm nghiên cứu đã tìm ra phương pháp điều trị bằng kháng thể có thể ngăn cản sự hình thành các cầu phân tử này, đồng thời giúp hệ miễn dịch phục hồi khả năng tấn công mạnh mẽ vào các tế bào ung thư.
Kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy khi kháng thể được tiêm vào chuột ung thư vú, sự phát triển của khối u bị ức chế rõ rệt, và trong một số trường hợp, chuột đã hoàn toàn hồi phục.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một loại protein có tên CD84, thường được sử dụng để xây dựng những cầu phân tử này, xuất hiện với mức độ cao hơn trong các khối u ung thư vú.
Các thí nghiệm trên chuột thiếu protein CD84 cho thấy khối u phát triển nhỏ hơn, điều này càng khẳng định vai trò ức chế miễn dịch của protein này.
Kháng thể mới trên không chỉ tác động vào các tế bào ung thư mà còn chọn lọc tấn công những tế bào có mức CD84 cao, trong khi bảo vệ các tế bào miễn dịch khỏe mạnh, vốn chỉ biểu hiện protein này ở mức thấp.
Điều đặc biệt của phương pháp này là có thể được áp dụng cho nhiều loại ung thư khác nhau, không chỉ riêng ung thư vú, bằng cách tập trung vào việc tác động vào môi trường vi mô của khối u, thay vì chỉ nhắm vào các tế bào ung thư.
Đây là bước tiến đáng chú ý trong việc phát triển liệu pháp miễn dịch chống lại ung thư, mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư./.