Nỗi sợ hãi xuất phát tự việc phát hiện kim khâu trong trái dâu tươi của Australia đã lan sang New Zealand khi ngày 23/9, chuỗi siêu thị Countdown của nước này thông báo đã phát hiện kim khâu trong hộp hoa quả có nguồn gốc từ Australia, quốc gia mà ngành xuất khẩu hoa quả tươi đang phải gánh chịu thiệt hại lớn sau vụ bê bối phát hiện kim khâu trong nhiều loại hoa quả vài tuần qua.
Theo thông báo mới nhất, chuỗi siêu thị Countdown đã rút một thương hiệu dâu tây của Australia khỏi kệ hàng sau khi phát hiện một hộp nhựa đựng hoa quả bị vỡ và có kim khâu bên trong tại cửa hàng ở Auckland.
Sản phẩm dâu tươi, có xuất xứ từ bang Tây Australia, được bán trong các cửa hàng của chuỗi siêu thị Countdown trên toàn quốc từ tuần trước và đến nay mới chỉ có một sự cố được báo cáo.
[Australia nâng mức phạt tù với tội danh phá hoại hoa quả có chủ đích]
Trong thông báo cùng ngày, Countdown viết: "Chúng tôi rất coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm," khẳng định sẽ liên lạc trực tiếp với các nhà chức trách để điều tra về sự cố kim khâu phát kiện trong trái dâu ở Australia trong những tuần qua.
Theo thông báo trên, để yên tâm khách hàng có thể trả lại những khay dâu tây thương hiệu Choice mà họ có thể đã mua của Countdown. Chuỗi siêu thị này cũng khuyến cáo khách hàng trước khi ăn nên cắt nhỏ sản phẩm dâu có nguồn gốc từ Australia.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết hiện chưa có bất kỳ báo cáo nào về sự cố sức khỏe hay bị thương liên quan đến sự cố này tại New Zealand.
Cho tới nay, giới chức Australia đã nhận được báo cáo về hơn 100 trường hợp phát hiện kim khâu hoặc ghim nhọn trong các loại hoa quả bày bán tại siêu thị trên cả nước kể từ sau khi vụ việc đầu tiên được phát hiện tại Queensland hồi đầu tháng này.
Dù nhiều người cho rằng đây có thể là trò nghịch ngợm hoặc một trò đùa nhưng cảnh sát đã mở cuộc điều tra và cho tới nay đã xét hỏi hai trẻ vị thành niên tình nghi liên quan tới vụ việc.
Vụ việc đã khiến ngành sản xuất dâu tươi với doanh thu 130 triệu AUD (93 triệu USD) mỗi năm của Australia điêu đứng. Ngoài 7 thương hiệu có sản phẩm phát hiện kim khâu phải đóng cửa, những nhà sản xuất hay các trang trại trồng dâu khác trên khắp Australia cũng gần như phải chịu chung số phận khi lượng tiêu thụ giảm mạnh do người tiêu dùng không dám mua dâu.
Trong khi đó, các đối tác thương mại ở một số nước như Anh, Nga và New Zealand ngừng nhập khẩu dâu tươi từ Australia.
Hầu hết các chính trị gia của Australia đều đã xuất hiện trên truyền hình hoặc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm vực dậy niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm trái cây của quốc gia này./.