Phát hiện hơn 370 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền

Cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 370 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền; kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Phát hiện hơn 370 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Chiều 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017 tại 64 điểm cầu trên cả nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì điểm cầu Trung ương.

Thẩm định trên 5.100 dự thảo

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết 6 tháng đầu năm 2017, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục coi công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; tích cực tham gia xây dựng, trình Quốc hội thông qua 13/14 dự án luật, nghị quyết, cho ý kiến đối với 5/5 dự án khác, trong đó có nhiều dự án liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành và cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục thể hiện tốt vai trò “gác cổng” về mặt thể chế cho các bộ, ngành, địa phương; chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao.

Toàn ngành đã thẩm định trên 5.100 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 163 dự thảo. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục có nhiều điểm sáng, chú trọng khâu xử lý văn bản trái luật.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 370 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền; kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, thời gian qua, Bộ Tư pháp và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khẩn trương triển khai Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, gắn với việc thi hành Luật Hộ tịch.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho trên 940.000 trường hợp.

Ngoài ra, kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền tiếp tục đạt cao, trong đó giải quyết xong trên 314.000 việc, đạt tỷ lệ trên 59% (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016); giải quyết xong trên 21.400 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21% (tăng trên 7% so với cùng kỳ năm 2016).

Bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật trình Quốc hội

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thực hiện nhiệm vụ.

Các đại biểu chỉ rõ mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn lúng túng trong thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn khá nhiều, khó đảm bảo mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng từ năm 2017.

Ngoài ra, Bộ cũng chưa có giải pháp đột phá giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Trong công tác thi hành án dân sự, việc kê biên, phong tỏa tài sản, truy tìm tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn chưa được quan tâm kịp thời…

Sáu tháng cuối năm, ngành tư pháp tập trung bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Bộ Tư pháp chuẩn bị và tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết mới, trong đó chú trọng đến các luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc có tác động lớn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành tư pháp như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Tiếp cận thông tin, Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng...

Đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn chuyên sâu nội dung cơ bản của các luật, rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhất là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với các luật.

Ngoài ra, Bộ cũng tập trung nguồn lực để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án dân sự; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, có giá trị lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục