Phát hiện hóa thạch voi ma mút khổng lồ 10.000 năm tuổi tại Mexico

Theo Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mexico, bộ xương có thể thuộc về một con voi ma mút Columbia - một loài đã tuyệt chủng từng sinh sống ở khu vực Bắc Mỹ.
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà khoa học Mexico thông báo đã tìm thấy bộ xương hóa thạch của một con voi ma mút khổng lồ có niên đại 10.000 năm tại một nghĩa trang ở bang Puebla, thuộc miền Trung nước này.

Theo Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mexico (INAH), bộ xương có thể thuộc về một con voi ma mút Columbia (tên khoa học là Mammuthus columbi) - một loài đã tuyệt chủng từng sinh sống ở khu vực Bắc Mỹ.

Đây là một trong những loài voi ma mút lớn nhất từng tồn tại, chúng cao tới 4m tính từ vai và cân nặng khoảng 7-9 tấn.

Trong quá trình khai quật bắt đầu từ tháng 10 vừa qua tại Puebla, các nhà khoa học đã tìm thấy bộ xương với một ngà dài 2,9m gần như còn nguyên vẹn, ngà còn lại và hộp sọ bị hư hại, 70% xương chậu và một số mảnh xương sườn.

[Chile phát hiện hóa thạch của loài khủng long bọc giáp mới]

Phát hiện này thu hút sự chú ý của giới khoa học bởi độ dài của ngà voi là minh chứng cho thấy cá thể này có kích thước khổng lồ và có thể là cá thể ma mút lớn nhất được tìm thấy ở Mexico.

INAH cho biết sẽ tiến hành phân tích để xác định niên đại chính xác của mẫu vật, cũng như giới tính và phân loài cụ thể của con voi ma mút này.

Các nhà khảo cổ học cũng xác định được địa tầng của đá trầm tích travertine tại địa điểm khai quật, cho thấy sự tồn tại của các nguồn nước, như hồ hoặc sông ngầm.

Cách Puebla không xa, các nhà khảo cổ cũng khai quật được xương của hàng chục con voi ma mút, lạc đà, ngựa và bò rừng tại Sân bay Quốc tế Felipe Ángeles (AIFA) mới đi vào hoạt động.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là dấu tích của một vành đai địa lý từng là nơi sinh sống của nhiều loại động vật thời tiền sử./.

Hình ảnh phục dựng voi ma mút thảo nguyên do tạp chí Nature công bố ngày 17/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục