Phát hiện hang động muối dài nhất thế giới tại Israel

Ngày 28/3, các nhà thám hiểm Israel tuyên bố đã phát hiện được hang động muối gần Biển Chết dài nhất thế giới, đánh bại kỷ lục hiện nay mà Iran đang nắm giữ.
Một nhà thám hiểm bên trong hang Malham. (Nguồn: AFP)
Một nhà thám hiểm bên trong hang Malham. (Nguồn: AFP)

Ngày 28/3, các nhà thám hiểm Israel tuyên bố đã phát hiện được hang động muối gần Biển Chết dài nhất thế giới, đánh bại kỷ lục hiện nay mà Iran đang nắm giữ.

Hang động trên có tên là Malham, trải dài hơn 10km từ núi Sodom, ngọn núi lớn nhất của Israel, và kéo dài đến khu vực Tây Nam ở Biển Chết. Bên trong hang động, các khối đá muối nhạt màu treo lơ lửng trên trần hang, trong khi các tinh thể muối bám đầy trên tường. Những người tham quan có thể nhìn thấy được các giọt nước muối chảy ra từ mỏm các khối đá.

[Vẻ đẹp của Sơn Đoòng, hang động tự nhiên lớn nhất thế giới]

Malham được các nhà nghiên cứu biết đến thông qua công trình của Amos Frumkin, nhà sáng lập kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hang động của Đại học Hewbrew. Ông Frumkin đã phác thảo được bản đồ của đoạn hang động dài 5 km vào những năm 1980. Tuy nhiên, vào năm 2006, các nhà nghiên cứu lại phát hiện hang động N3 dài 6km tại đảo Qeshm, miền Nam Iran, và trao danh hiệu hang động muối dài nhất thế giới cho hang này.

Cách đây hai năm, nhà thám hiểm hang động Yoav Negev người Israel đã quyết định hoàn tất công trình của Frumkin với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp người Bulgaria. Ông Negev, nhà sáng lập Câu lạc bộ thám hiểm hang động Israel, đã cùng với nhà nghiên cứu Boaz Landford tổ chức một đoàn thám hiểm gồm 8 người châu Âu và 20 người địa phương. Họ đã mất 10 ngày để phác thảo bản đồ năm 2018.

Chuyến thám hiểm thứ hai kéo dài 10 ngày vào năm 2019 với sự tham gia của 80 nhà thám hiểm địa phương và quốc tế đã hoàn tất được công tác đo đạc và phác thảo bản đồ bằng laser, qua đó xác định được chiều dài của hang động là hơn 10km.

Núi Sodom là khối muối khổng lồ được bao phủ bởi lớp đá mỏng nhưng vững chắc. Các giọt nước mưa đã thấm qua các khe đá và hòa tan vào muối tạo nên các hang nhỏ và chảy xuống Biển Chết. Chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi nhà thám hiểm Frumkin phác thảo được bản đồ, cấu trúc hang động đã có sự thay đổi và quá trình này sẽ còn tiếp tục.

Bên trong hang động phần lớn là bụi mịn được thổi từ sa mạc vào. Những phiến đá muối khổng lồ, trong đó có một số phiến có màu hổ phách do bụi và khoáng chất kết hợp lại, đã tạo nên khung cảnh ấn tượng của hang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục