Theo BBC, sau một thời gian dài tìm kiếm, tàu thăm dò Curiosity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện dấu vết của khí methane trên Sao Hỏa.
Cụ thể, Curiosity đã phát hiện một đợt phun khí methane vào bầu khí quyển Sao Hỏa, kéo dài tới 2 tháng trời.
Các nhà khoa học tin rằng methane là dấu hiệu rõ rệt nhất về sự tồn tại của sự sống bởi trên Trái Đất, 95% khí methane sinh ra từ hoạt động của các cơ thể sống ở cấp độ tế bào.
Hiện tàu Curiosity chưa rõ nguồn khí methane tới từ đâu, dù có hướng giả thuyết nói rằng nó đã mắc kẹt lâu nay ở dưới lòng đất và thoát ra nhờ những xáo trộn diễn ra định kỳ trên Sao Hỏa.
“Có những cái lồng nước đá với kích cỡ phân tử, có chứa khí methane ở bên trong. Theo thời gian, những cái lồng này có thể đã trở nên mất ổn định, do tác động từ lực cơ học hoặc nhiệt và giải phóng khí methane. Khí này sẽ dần đi theo các viết nứt và kẽ hở trong đất đá để vào bầu khí quyển,” giáo sư Sushil Atreya thuộc trường Đại học Michigan cho trang tin BBC News biết.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là bằng cách nào khí methane (CH4) lại bị mắc kẹt trong nước đá, trước khi chúng được giải phóng. Hiện các nhà khoa học mới có 2 hướng giải thích cho hiện tượng này.
Một trong đó là khí methane sinh ra từ hoạt động của các vi khuẩn. “Đây là một trong vài hướng giả thuyết mà chúng tôi đã đề ra,” John P. Grotzinger, nhà khoa học phụ trách dự án Curiosity cho biết.
Ngoài khí methane, lần đầu tiên các nhà khoa học đã công bố việc họ tìm thấy sự hiện diện của các phân tử hữu cơ với thành phần có chất carbon trong một mẫu đá.
Các phân tử hữu cơ này không phải bằng chứng trực tiếp về sự sống, nhưng chúng đã làm tăng sức nặng của giả thuyết rằng Sao Hỏa có các nguyên liệu cần thiết để sự sống sinh sôi nảy nở.
Sự xuất hiện của khí methane và hợp chất hữu cơ cho thấy có khả năng sự sống vẫn đang tồn tại trên hành tinh Đỏ này mà chúng ta không biết.
“Đây thực sự là một khoảnh khắc tuyệt vời của nhiệm vụ,” tiến sỹ Grotzinger nói tại một cuộc họp báo diễn ra hôm 16/12./.