Phó giáo sư Tiến sĩ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học cho biết vừa phát hiện một khu di chỉ khảo cổ rộng hơn 10.000 m2 trên khu đất cao Bãi Soi, bên bờ sông Phó Đáy, tỉnh Tuyên Quang.
Bãi Soi là một khu cư trú, một làng cổ của cư dân thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, có niên đại khoảng 3.500 năm cách ngày nay. Đây là một di tích quan trọng để tìm hiểu văn hóa Phùng Nguyên ở vùng núi phía Bắc, một hợp nguồn hình thành non nước Văn Lang - Âu Lạc thời các vua Hùng.
Kết quả đào hố thám sát phát hiện được hơn 400 di vật trong tất cả các lớp văn hóa, chủ yếu là đồ gốm đã bị vỡ, đồ đá và một ít xương. Về loại hình chủ yếu là những đồ gia dụng dùng để đun nấu hoặc chứa đựng lương thực. Có 3 di tích bếp lửa và 2 hố đất đen tìm thấy trong hố khai quật.
Đáng chú ý là đồ gốm được trang trí hoa văn khá đa dạng, được tạo bằng kỹ thuật khắc vạch kết hợp với in chấm rải với họa tiết khá phổ biến hình chữ S.
Các nhà khoa học còn tìm thấy dọi xe chỉ, chân chạc gốm và chì lưới gốm. Công cụ đá ở đây là những chiếc rìu tứ giác mài nhẵn toàn thân, chưa tìm thấy rìu có vai.
Đặc biệt đã tìm thấy viên đá cuội có mang dấu “Bắc Sơn” trong tầng văn hóa. Điều này rất quan trọng bởi hiện tượng này còn rất ít gặp trong văn hóa Phùng Nguyên, gợi ý các nhà khoa học hướng tìm đến một trong những cội nguồn xa xưa của văn hóa Phùng Nguyên.
Mặc dù chưa tìm thấy di cốt người chết, nhưng trong hai di tích hố đất đen có kích thước lớn với nồi gốm được sắp đặt có chủ ý có thể liên quan đến mộ táng./.