Phát hiện chưa từng có: Con người biết chữa tủy răng từ thế kỷ 8

Các nhà khảo cổ Mexico bất ngờ khi phát hiện một chiếc răng của bộ hài cốt có niên đại 800 năm sau Công nguyên có dấu hiệu đã được chữa tủy răng - một kỹ thuật chỉ phổ biến ở thế kỷ 18,19.
Di tích khảo cổ học tại đền Aztec của Mexico. Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Ngày 10/6, Viện Lịch sử và Khảo cổ Quốc gia Mexico thông báo các nhà khảo cổ vừa phát hiện một bộ hài cốt có niên đại khoảng 800 năm sau Công nguyên ngay tại khuôn viên một trường tiểu học ở bang miền Trung Michoacan.

Điều bất ngờ là một chiếc răng của bộ hài cốt này có dấu hiệu đã qua điều trị nội nha - kỹ thuật chữa tủy răng mãi đến thế kỷ 18,19 mới trở nên phổ biến. Đây là một phát hiện chưa từng có trong lịch sử khảo cổ Mexico.

Để kiểm tra tính xác thực của phát hiện lý thú này, các nhà khảo cổ đã đưa mẫu răng trên nhờ các chuyên gia phân tích tại các cơ sở nha khoa tiên tiến nhất tại bang Michoacan, và tất cả đều kết luận chiếc răng này đã được điều trị nội nha.

Câu hỏi đặt ra cho các nhà khoa học là vào thời kỳ thế kỷ thứ 8, thứ 9, nền y học nói chung và kỹ thuật điều trị nha khoa tại Mexico đã phát triển tới mức cao như thế nào.

Bộ hài cốt và chiếc răng “đặc biệt” nói trên hiện là đối tượng nghiên cứu không chỉ các nhà khảo cổ mà còn của các nhà khoa học đa ngành Mexico.

Điều trị nội nha, còn gọi là chữa tủy, là quá trình lấy sạch tủy bị tổn thương, trám bít chặt hệ thống ống tủy ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, giúp loại bỏ viêm nhiễm và bảo tồn mô răng còn lại. Kỹ thuật này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1687, và nhanh chóng phát triển vào thế kỷ 18,19 với nhiều phát minh vẫn còn được sử dụng cho tới ngày nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục