Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Molecules ngày 5/10, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Ben Gurion (BGU) ở Israel đã phát hiện rằng các chất làm ngọt nhân tạo thường được dùng thay thế đường ăn trong nhiều loại đồ ăn, thức uống, sẽ gây ra các bệnh tiêu hóa về lâu dài.
Nhóm nhà khoa học BGU đã tiến hành thử nghiệm với 6 chất làm ngọt nhân tạo được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) nước này công nhận.
Họ phát hiện rằng các chất này cản trở quá trình liên lạc của các vi khuẩn trong cơ thể.
[Kim chi đứng trong tốp đầu các thực phẩm có lợi cho sức khỏe]
Mặc dù toàn bộ 6 chất này không tiêu diệt vi khuẩn, song 3 chất làm ngọt trong số này là aspartame, sucralose và saccharin làm tổn thương nghiêm trọng tới khả năng liên lạc của các vi khuẩn và do vậy có thể dẫn tới các bệnh về tiêu hóa khiến vật chủ cảm thấy khó chịu.
Theo các nhà nghiên cứu, các chất làm ngọt làm gián đoạn khả năng liên lạc thường lệ giữa các vi khuẩn, từ đó có thể rối loạn tính ổn định của hệ vi khuẩn đường ruột.
Để có kết quả này, các nhà khoa học đã dùng vi khuẩn phát quang mà độ phát quang của vi khuẩn này giảm nếu quá trình liên lạc của vi khuẩn bị phá vỡ.
Các nhà nghiên cứu Israel cho rằng với kết quả nghiên cứu trên, ngành công nghiệp thực phẩm cần đánh giá lại việc sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo trong sản xuất đồ ăn, thức uống./.