Phát hiện bãi gỗ lậu số lượng lớn dưới lòng hồ thủy điện Sê San 4

Tại hiện trường, hàng trăm lóng gỗ đủ chủng loại, đủ kích cỡ nằm la liệt từ trên bờ xuống dưới sông; những cây gỗ lớn được xẻ hộp theo quy cách, phần thừa còn lại được làm nguyên liệu lò than.
Nhiều lóng gỗ tròn có đường kính khoảng 25 cm, dài chừng 3m. (Nguồn: baogialai)

Một bãi gỗ rừng quy mô lớn vừa được phát hiện dưới lòng hồ thủy điện Sê San 4, thuộc xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Tại hiện trường, hàng trăm lóng gỗ đủ chủng loại, đủ kích cỡ nằm la liệt từ trên bờ xuống dưới sông. Những cây gỗ lớn được xẻ hộp theo quy cách, phần thừa còn lại được tận dụng làm nguyên liệu phục vụ hệ thống lò than thủ công nằm ngay sát chân bãi tập kết này.

Lợi dụng việc thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng, người dân đã tự ý tổ chức trục vớt gỗ trái phép tại khu vực lòng hồ thủy điện. Điều đáng nói, những bãi tập kết gỗ này còn trà trộn cả gỗ rừng được khai thác ở các khu vực lân cận. Gỗ tròn sau khi tập kết về đây được sơ chế rồi vận chuyển vào bờ tiêu thụ.

Đại tá Trần Thanh Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết trên địa bàn xã Ia O, khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 có khoảng 10 đảo và các đảo đều cách bờ từ 4km đến 5km.

Chính vì thiếu phương tiện đi lại nên công tác nắm tình hình của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn, vì thế mới để xảy ra hiện tượng tập kết gỗ trên các đảo. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy số lượng gỗ này có thể được các đối tượng trục vớt lên, vận chuyển đi nơi khác để tiêu thụ hoặc xẻ ra tiêu dùng, làm than củi.

[Gia Lai: Bắt giam đối tượng bán gỗ lậu cho doanh nghiệp Hùng Ny]

Điểm tập kết này chỉ là một trong nhiều điểm gỗ lậu xung quanh khu vực sông Sê San, đoạn chảy qua ranh giới của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Khi thủy điện Sê San 4 chặn dòng, cả một khu vực rộng lớn chìm sâu trong nước đã hình thành vô số hòn đảo lớn, nhỏ.

Nhiều người dân đã chọn việc trục vớt cây rừng ngập sâu dưới lòng hồ làm nghề kiếm sống. Do nằm xa khu dân cư lại bị chia cắt bởi hồ nước mênh mông, thiếu sự kiểm soát nên nhiều lâm tặc cũng chọn khu vực này làm nơi tập kết gỗ khai thác trái phép từ các khu vực lân cận.

Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ia Grai khẳng định, tại khu vực đảo nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum còn một số lượng lớn gỗ và củi. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng báo cáo tỉnh, có phương án trục vớt đưa vào bờ số gỗ lậu, tránh việc tiêu hủy tang vật cũng như phương tiện vi phạm.

Sau khi tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng đã thiếu kiên quyết trong khâu kiểm đếm, bảo vệ hiện trường, tạo cho lâm tặc cơ hội thuận lợi để tẩu tán lâm sản. Theo đó, phần lớn những cây gỗ có giá trị được dìm sâu xuống nước, còn những cây gỗ nằm xa trên bờ đều đã bị đốt để phi tang.

Việc thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng có thể phần nào lý giải được nguyên nhân vì sao nhiều điểm tập kết gỗ quy mô lớn tại khu vực này ngang nhiên tồn tại trong nhiều năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục