Phát hiện 52 loài sinh vật tại vùng biển Indonesia

Các nhà khoa học Indonesia và Mỹ đã phát hiện được 52 loài sinh vật mới ở các vùng biển nổi tiếng về đa dạng sinh học của Indonesia.
Các nhà khoa học quốc tế vừa phát hiện 52 loài sinh vật sống ở những vùng biển vốn nổi tiếng về đa dạng sinh học của Indonesia.

Trong dự án nghiên cứu mang tên "Nhà thám hiểm Okeanos," các nhà khoa học Indonesia và Mỹ đã phát hiện những loài sinh vật trên ở các vùng biển có độ sâu từ 300-1.000 mét tại quần đảo Sangihe-Talaud, thuộc tỉnh Bắc Sulawesi.

Phát biểu nhân Ngày Bảo tồn thiên nhiên quốc gia (10/8), Bộ trưởng Lâm nghiệp Indonesia Zulkifli Hasan cảnh báo nạn phá rừng đang làm số lượng các loài sinh vật quý hiếm ở nước này bị giảm đi đáng kể, đặc biệt là hổ Sumatra, tê giác Java và vượn.

Bộ trưởng Hasan cho biết năm 2005, Indonesia có khoảng 800 con hổ Sumatra, nhưng đến nay, số lượng này chỉ còn một nửa. Trong khi đó, loài hổ Java đã hoàn toàn tuyệt chủng.

Năm 2000, Indonesia có khoảng 8.000 con voi Sumatra, song hiện nay chỉ còn 2.000 con, còn tê giác hiện còn khoảng 60 con.

Để bảo tồn các loài thú quý hiếm, Indonesia đã lập kế hoạch phát triển 30 triệu hécta đất rừng, đồng thời kiên quyết không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 43 triệu hécta đất rừng nguyên sinh.

Indonesia cùng với Brazil, Australia, Ấn Độ, Nam Phi, Mexico, Colombia và Philippines được Liên hợp quốc coi là những quốc gia có sự đa dạng sinh học bậc nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục