Ngày 20/8, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang phát hành bộ tem "Văn hóa Óc Eo" giới thiệu các hiện vật được công nhận là "Bảo vật Quốc gia."
Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam qua nhiều thế kỷ.
[Infographics] Văn hóa Óc Eo - nền văn hóa cổ vùng đất Nam Bộ xưa
Bộ tem gồm ba mẫu và một blốc được thiết kế tràn lề.
Mẫu tem thứ nhất là hình ảnh tượng Avalolitesvara (Avalolitesvara là vị Bồ tát Quan Thế Âm). Bức tượng nguyên gốc là hiện vật độc bản, tiêu biểu cho loại hình điêu khắc tượng Avalokitesvara thế kỷ VIII, IX ở miền Tây Nam Bộ.
Tượng hiện vật bằng đá sa thạch trong tư thế đứng thân trên ở trần, thân dưới mặc sampot.
Tượng có 4 tay, 2 tay sau đưa lên ngang vai cầm tràng hạt và nụ sen, 2 tay trước nắm lại. Bức tượng xuất xứ từ vùng Ngãi Hòa Thượng, tỉnh Trà Vinh. Đây là một trong số những bức tượng thuộc bộ tượng Phật thuộc tôn giáo Bà la môn, tiêu biểu cho văn hóa Óc Eo thế kỷ 8-9.
Mẫu tem thứ hai là hình ảnh tượng Phật Hòa Bình. Nguyên mẫu của tem là bức tượng Phật bằng gỗ bằng lăng. Tượng Phật đứng trên đài sen, dáng thanh mảnh, tóc xoắn ốc, mặc áo choàng hở vai, tay trái nắm mép áo, tay phải trong tư thế ban phúc.
Tượng có xuất xứ từ khu Hòa Bình, tỉnh Long An. Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật tạc tượng trong văn hóa Óc Eo thế kỷ 3-4.
Hiện nay, hai bức tượng hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Mẫu tem thứ ba là hình ảnh tượng Thần Brahma Giồng Xoài, niên đại thế kỷ 6-7. Nguyên mẫu là bức tượng Thần Brahma độc bản, được tìm thấy trong quá trình canh tác ở khu vực di tích Giồng Xoài nằm về phía Tây của Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).
Tượng bị vỡ từ vai trái xuống ngang ngực phải. Tượng được làm bằng chất liệu sa thạch hạt mịn, bề mặt ngoài có lớp patin màu xám trắng dày do bị phong hóa.
Tượng Thần Brahma là một trong số những tư liệu khảo cổ học rất quan trọng tại di tích Giồng Xoài, phản ánh một phần diện mạo của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử tồn tại và phát triển của khu di tích này cũng như của văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Bức tượng gốc hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang.
Blốc của bộ tem là hình ảnh bộ tượng Linga-Yoni Đá Nổi (niên đại thế kỷ 5-6). Tượng nguyên mẫu của bộ Linga-Yoni có cấu trúc ba phần rời, ghép lại thống nhất với nhau, gồm linga, yoni cùng khối bệ và tấm kim loại biểu tượng của bộ phận yoni.
Phần linga được chế tác bằng vàng, gắn sâu vào trung tâm mặt trên của khối bệ bằng đồng. Cấu trúc gồm ba phần: phần dưới cùng hình khối vuông, phần giữa hình trụ bát giác, phần đầu hình trụ tròn.
Phần yoni và khối bệ có cấu trúc liền khối với phần bệ bên dưới, được đúc bằng đồng.
Bộ Linga-Yoni bằng vàng và đồng thau kết hợp là hiện vật tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử của văn hóa Ấn Độ đối với vùng đất Nam Bộ và khu vực Đông Nam Á. Hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang.
Bộ tem do họa sỹ Nguyễn Du (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế theo phong cách đồ họa. Tem có khuôn khổ 24x49,5mm, blốc 80x100mm.
Hình ảnh các hiện vật được đặt trên nền mầu nâu đậm, làm tôn thêm vẻ đẹp huyền bì của các mẫu vật thuộc nền văn hóa Óc Eo.
Bộ tem được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 20/8/2020 đến ngày 30/6/2022.
Nền văn hóa Óc Eo thuộc vương quốc cổ Phù Nam được phát hiện đầu tiên vào năm 1944 qua các di chỉ ở núi Ba Thê, nay thuộc thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).
Các cuộc khảo cứu của các nhà khoa học đã làm sáng tỏ một nền văn hóa rực rỡ với hệ thống những di tích dày đặc với qui mô rộng lớn cùng với tổ hợp hiện vật nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại, cao cấp về trình độ kỹ thuật, về thẩm mỹ, về nghệ thuật, vừa có tính giao lưu với các trung tâm văn hóa lớn thời bấy giờ.
Các hiện vật thuộc Di tích Văn hóa Óc Eo được đánh giá là nguồn tư liệu lịch sử quý giá như một bằng chứng về một nền văn hóa phát triển thịnh vượng trong lịch sử Việt Nam./.