Phát hành bộ tem giới thiệu loài rắn - linh vật của năm 2025

Bộ tem giới thiệu linh vật của năm là loài rắn - hình tượng khá phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, tượng trưng cho sự tinh anh, thông thái, trường thọ và tái sinh.

(Ảnh: Vietnam Post)
(Ảnh: Vietnam Post)
bo tem.jpg
Mẫu thiết kế bộ tem. (Ảnh: Vietnam Post)

Như thông lệ hàng năm, để chào đón năm mới 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem "Tết Ất Tỵ."

Bộ tem gồm 2 mẫu tem và 1 blốc, với giá mặt 4.000 đồng, 15.000 đồng và 15.000 đồng.

Bộ tem giới thiệu linh vật của năm là loài rắn - hình tượng khá phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, tượng trưng cho sự tinh anh, thông thái, trường thọ và tái sinh. Hai mẫu tem thể hiện cặp rắn mặc áo hoa Xuân đang chúc Tết nhau. Nền tem là hình ảnh cách điệu của mây núi, sông nước là những nơi mà loài rắn sinh sống.

Mẫu blốc thể hiện một gia đình rắn đoàn viên và hạnh phúc. Nền blốc là những cành hoa rực rỡ của mùa Xuân. Đám mây hình khánh và dải lụa tượng trưng cho bình an, hạnh phúc soi bóng dưới mặt nước.

Trong tâm thức người Việt Nam, rắn không phải là loài vật thân thiện với con người. Trong quan niệm dân gian, nhất là trong các câu chuyện cổ tích của Việt Nam, rắn là con vật hiểm ác, tinh quái và có phần gian xảo. Nhưng cũng chính vì đặc tính đó mà con người thần thánh hóa loài rắn, từ đó thờ cúng rắn như một vị thủy thần để cầu thân với rắn, mong rắn không làm hại người, cầu mong sức mạnh của rắn bảo vệ cho cuộc sống con người được bình an.

Trong văn hóa dân gian của người Việt, tục lệ thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy mang hai ý nghĩa là thủy thần và vật tổ. Việc xem rắn là thủy thần gắn với những ý niệm về sông nước của cư dân nông nghiệp. Ngày nay chúng ta vẫn bắt gặp những đền thờ rắn dọc theo các con sông như sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống…

Điểm đáng chú ý trong ý nghĩa hình tượng rắn của người Việt là xuất hiện rất đa dạng với những biến thể khác nhau như ông Lốt, rắn, trăn, chằn tinh, mãng xà, giao long, thuồng luồng, thậm chí là rồng.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nhị vị Xà Thần hay còn gọi là hai ông Lốt (gồm Thanh Xà Đại tướng quân và Bạch Xà Đại tướng quân) là hai vị quan thuộc hàng cuối cùng trong hệ thống thần linh Tứ Phủ. Quan Xà Thần đại là diện cho sức mạnh, sự dẻo dai và linh hoạt, chịu trách nhiệm canh gác đền phủ, trấn giữ đường âm, đường sông nước, trừ ma diệt quỷ, được nhân dân tôn kính và thờ phụng.

Ngoài ra, trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ còn có một vị lốt đặc biệt khác, với danh xưng Tam Đầu Cửu Vĩ. Đó là một vị thần Rắn với 3 đầu 9 đuôi, là thú cưỡi của một số vị Quan Lớn và Thánh Mẫu.

Bộ tem "Tết Ất Tỵ" giới thiệu phong tục câu đối với những lời chúc Tết bình an, may mắn, một nét đẹp đón năm mới, khi mọi người, mọi nhà gặp gỡ đều trao nhau những lời chúc như "Chúc mừng Năm mới," "Vạn sự như ý," "An khang thịnh vượng," "Phát lộc phát tài"...

Bộ tem do họa sỹ Nguyễn Quang Vinh thiết kế, có khuôn khổ tem 37 x 37 (mm), khuôn khổ blốc 80 x 80 (mm) được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 1/12/2024 đến ngày 30/6/2026 như một sứ giả gửi những lời chúc năm mới an lành, tốt đẹp tới mọi người, mọi nhà.

Từ năm 2019, mẫu thiết kế chuỗi tem Tết 12 con giáp đồng nhất về phong cách, khuôn khổ tem, bên cạnh hình ảnh linh vật của năm, mẫu tem còn giới thiệu những phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc, qua đó quảng bá những nét độc đáo trong văn hóa đón Tết của người Việt, tạo nên nét riêng có của tem Tết do Việt Nam phát hành.

Bộ tem "Tết Canh Tý" phát hành năm 2019, bắt đầu một chu kỳ con giáp mới, giới thiệu phong tục ngày Tết với bánh chưng, bánh tét, hoa đào, hoa mai.

Bộ tem "Tết Giáp Thìn," bên cạnh hình ảnh linh vật, họa sỹ đã thể hiện hình ảnh cá chép là biểu tượng cho phong tục tiễn ông Công ông Táo về trời, đây là một trong những nét đẹp văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ, là nét đặc trưng trong phong tục Tết cổ truyền của người Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục