Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và hội nhập quốc tế

Phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, hội nhập quốc tế và hoạt động đối ngoại luôn là lĩnh vực quan trọng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc biệt chú trọng.

Phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, hội nhập quốc tế và hoạt động đối ngoại luôn là lĩnh vực quan trọng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc biệt chú trọng ngay từ khi thành lập.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Ban Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, đối ngoại tôn giáo có vai trò quan trọng trong ngoại giao Việt Nam thời kỳ hội nhập.

Đạo Phật là tôn giáo luôn đề cao sự hòa hợp, do vậy các hoạt động hội nhập quốc tế, quan hệ đối ngoại của Phật giáo Việt Nam giúp tăng tình hữu nghị, đoàn kết với các nước Phật giáo trên thế giới.

Giáo hội đã đăng cai và tham dự nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế lớn về tôn giáo, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè thế giới.

Các chức sắc lãnh đạo đón tiếp hàng trăm phái đoàn, tổ chức Phật giáo quốc tế. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã góp tiếng nói tích cực để bạn bè thế giới hiểu hơn về phật giáo, con người, chính sách đối với tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc đấu tranh để Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC (các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo) năm 2008.

Nhằm nâng cao trình độ Phật học, thế học cho tăng ni sinh, công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo Phật học cũng được đặc biệt chú trọng.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ký hợp tác giáo dục với 11 trường Ðại học ở các nước Phật giáo lớn trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, và Ấn Độ, Thượng tọa Thích Nhật Từ, cũng là Phó Viện trưởng Học viện cho biết.

Giáo hội luôn tích cực thể hiện tư cách là thành viên sáng lập và thành viên của các tổ chức Phật giáo trên thế giới, trong đó có Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới tại thủ đô Colombo, Srilanka; Hội Phật giáo châu Á vì Hòa Bình (ABCP); thành viên Ủy Ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (IOC, Thái Lan); thành viên Ủy ban Đại học và Cao Đẳng Phật giáo Thế giới tại Thái Lan; thành viên tổ chức Liên minh Phật giáo Toàn cầu tại Ấn Độ.

Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và hội nhập quốc tế ảnh 1Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu tiếp đoàn Thủ tướng Ấn Độ đến thăm và dâng hương tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, năm 2016. (Ảnh Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cung cấp)

Trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội đã giới thiệu 300 tăng ni du học ở các nước Phật giáo. Tính đến nay, đã có 200 tăng ni tốt nghiệp tiến sỹ, thạc sỹ chuyên ngành Phật học và các ngành khác đã về nước và công tác tại các cấp Giáo hội và tham gia giảng dạy tại các trường đào tạo Phật học trong nước.

Nhiều chức sắc trong Giáo hội đã được trao tặng những phần thưởng cao quý, ghi nhận những đóng góp to lớn của họ cho Phật giáo và nền Phật học toàn cầu.

[Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc vì hạnh phúc nhân sinh]

Chẳng hạn năm 2017, Viện Giáo dục Phật Đà Thế giới tại Ấn Độ đã phối hợp với Liên minh các lãnh đạo Phật giáo thế giới trao bằng tiến sỹ danh dự và Giải thưởng Biểu tượng Phật giáo toàn cầu cho Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự và Thượng tọa Thích Nhật Từ nhận Giải thưởng Đại sứ Phật giáo toàn cầu.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Thái Lan hai lần đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, vào năm 2008 và 2014.

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2014 được tổ chức tại chùa Bái Đính, Ninh Bình - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với sự tham dự của gần 1.500 đại biểu tôn giáo đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ Phật giáo trên thế giới và đại biểu đại diện cho Liên Hiệp Quốc, UNESCO, các Đại sứ quán và đại diện các cơ quan ngoại giao tại Hà Nội cùng với 20.000 đại biểu tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Các hoạt động này đã khẳng định vị thế của Giáo hội trong cộng đồng Phật giáo thế giới, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak 2014 cho biết.

Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và hội nhập quốc tế ảnh 2Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2014 tại tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN)

Phật giáo Việt Nam luôn tích cực giúp đỡ các Phật tử nước ngoài gặp khó khăn. Năm 2015, Giáo hội hai nước Việt Nam-Nepal, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi chư tôn, tăng ni và Phật tử cả nước hoan hỷ đóng góp tài chính để chia sẻ những mất mát và đau thương mà nhân dân Nepal đang phải gánh chịu trong trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra ngày 25/4/2015.

Phật giáo tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

Đặc biệt chú trọng chăm lo tới đời sống tâm linh, văn hóa của bà con Việt kiều trên thế giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được kiều bào Việt Nam trao gửi niềm tin, thể hiện ở số lượng Hội Phật tử Việt Nam được thành lập ở nước ngoài ngày một tăng.

Ngày càng có nhiều ngôi chùa Việt Nam được xây ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào Phật tử Việt kiều.

Tính đến nay, đã có 11 Hội Phật tử Việt Nam được thành lập tại Đức, Bỉ, Pháp, Cộng hòa Séc, Slovakia Ukraine, Hungary, Hàn Quốc, Nhật Bản và gần đây là Angola và Mozambique.

Các Hội Phật tử Việt Nam tại nước ngoài đóng vai trò là cầu nối tinh thần giữa tăng ni, Phật tử, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài với đồng bào trong nước, từ đó khuyến khích họ hướng về quê hương.

Nhân chuyến về nước tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ tám, kết hợp làm từ thiện, sư cô Thích Tâm Trí, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, Hội Phật tử Việt Nam ở Nhật Bản được thành lập trên cơ sở nguyện vọng của Phật tử kiều bào tại Nhật Bản vào tháng 11/2013.

Qua gần bốn năm hoạt động, Hội đã góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam, tích cực truyền bá chánh pháp và văn hóa Việt Nam tại nước sở tại.

Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và hội nhập quốc tế ảnh 3Ni cô Thích Tâm Trí (trang phục màu nâu) dự Lễ khai mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ tám sáng ngày 21/11 tại Hà Nội. (Ảnh TTXVN)

Nhằm giới thiệu văn hóa Nhật Bản đến với người Việt Nam, nhiều các hoạt động giao lưu trên tinh thần văn hóa Phật giáo đã được tổ chức, như liên kết với các tông phái Nhật Bản để trao đổi và tu tập, tổ chức các buổi thiền trà tại Việt Nam, mang hơn 1.500 cây anh đào Nhật Bản về trồng tại miền Bắc Việt Nam.

Nhiều đạo tràng đã được thành lập phù hợp với nguyện vọng của đông đảo bà con người Việt tại Nhật Bản, như đạo tràng chùa Nisshin Kutsu, đạo tràng Tinh Tấn Hamamatsu, đạo tràng An Tịnh Đường Kumagaya, đạo tràng chùa Phước Huệ Aichi.

Các đạo tràng này luôn tích cực trong công tác thiện nguyện, dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở Nhật Bản, thường xuyên phát thức ăn cho người vô gia cư khu vực Asakusa và Ueno, Tokyo.

Năm 2011, chùa Nisshin Kutsu đã cưu mang gần 100 bà con kiều bào bị ảnh hưởng bởi động đất ở Tokyo; quyên góp ủng hộ bà con miền biển Hà Tĩnh năm 2016.

Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa cũng được chú trọng thực hiện, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và hướng về cội nguồn, như phối hợp Hội thanh viên sinh viên, Hội nghiệp đoàn tổ chức các ngày lễ truyền thống của dân tộc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống…

Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và hội nhập quốc tế ảnh 4Sư cô Thích Tâm Trí (ôm em bé áo hồng), cùng Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi, trụ trì chùa Nisshin Kutsu trao tiền từ thiện ủng hộ bà con ảnh hưởng bởi lũ lụt ở tỉnh Thanh Hóa. Hòa thượng Yoshimizu Daichi là người có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam tại Nhật Bản suốt 50 năm qua. (Ảnh TTXVN)

Theo tiến sỹ Đặng Tài Tính, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ban Tôn giáo Chính phủ, hoạt động tôn giáo quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần giúp bạn bè, Phật tử quốc tế hiểu rõ hơn về Phật giáo và văn hóa Việt Nam; đồng thời giúp cộng đồng quốc tế có cái nhìn đúng đắn về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, từ đó tranh thủ được sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của cộng đồng quốc tế trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

a bảy nhiệm kỳ, với những thành tựu đã đạt được, Giáo hội Phật giáo Việt nam đã khẳng định được vị trí của mình trên bản đồ Phật giáo thế giới, cũng như vai trò của một tôn giáo lớn của cả nước, góp phần vào mối quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Phật giáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục