Ngày 4/11, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước.”
Đây là một trong những hoạt động phật sự chính trong chuỗi sự kiện Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981-7/11/2021).
Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chứng minh và chỉ đạo Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo kể từ khi mới ra đời, Phật giáo Việt Nam qua nhiều thời đại đều cùng hướng tới sứ mệnh cao cả là “xương minh phật pháp, lợi ích tha nhân và phát triển giáo hội.”
Nhìn lại trang sử Phật giáo Việt Nam qua từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử, dù trong thời đại nào, hoàn cảnh nào, hoạt động phật sự nào cũng đều thể hiện lý tưởng giác ngộ giải thoát của đạo Phật và không ra ngoài hai mục tiêu then chốt là “trưởng dưỡng đạo tăng, trang nghiêm giáo hội,” “hoằng dương chính pháp, hộ quốc an dân.”
Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, Hội thảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là cơ hội nhìn lại chặng đường 40 năm hình thành, ổn định, không ngừng phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những đóng góp thiết thực ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như đối ngoại nhân dân trong hơn 2/3 thế kỷ, trong đó đã tổ chức thành công 3 lần Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc vào năm 2008, 2014 và 2019.
Sự ổn định, lớn mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong một thời đại đầy khó khăn, thử thách đan xen cơ hội và thuận lợi như hiện nay là sự khẳng định công cuộc thống nhất 9 tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước cách đây 40 năm hình thành nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
[Đại lễ kỷ niệm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra ngày 7/11]
Đó chính là sự thống nhất toàn vẹn, triệt để nhất, thể hiện tính ưu việt của Phật giáo thời đại được kết tinh từ sự kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của Phật giáo, được chắt lọc từ bài học quý báu về sự ra đời của những tổ chức giáo hội Phật giáo trong dòng chảy lịch sử mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa truyền thống 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam cũng như sự linh động vận dụng những điều kiện thuận lợi trong hoàn cảnh thời đại.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh mọi hoạt động phật sự của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn hướng đến lý tưởng giác ngộ, giải thoát, đều mang tính tự giác.
Vì vậy, Hội thảo lần này là hoạt động phật sự hướng đến sự tích hợp những giá trị tri thức, lịch sử, tôn giáo, văn hóa học, xã hội học, tâm lý học nhằm làm rõ vai trò, đóng góp toàn diện của Phật giáo Việt Nam trong thời đại đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa xã hội và công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước Việt Nam.
Trong bài phát biểu gửi đến hội thảo, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, khẳng định, Phật giáo là tôn giáo có số lượng chức sắc, tín đồ đông đảo nhất ở Việt Nam và đã hiện diện trên đất nước ta từ những năm đầu Công Nguyên.
Phật giáo được người dân Việt Nam tiếp nhận trong tâm thức văn hóa bao dung, chủ động và những giá trị nhân văn, nhân ái, tinh thần bình đẳng từ bi, cứu khổ, độ sinh trong giáo lý Phật giáo.
Theo ông Vũ Chiến Thắng, chưa ở đâu các hệ phái, tổ chức Phật giáo với những truyền thống tu hành đặc trưng lại có thể tập hợp và gắn bó trong ngôi nhà chung mang tên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”
Đó không chỉ là kết quả của việc thực hành “hạnh lục hòa” mà còn là tâm nguyện, mong ước chung của tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam trong nước và nước ngoài. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ thống nhất trong ý chí và hành động, trong lãnh đạo và tổ chức, thống nhất trong định hướng tu học, thực hành giáo lý, thực hiện các hoạt động xã hội mà còn thống nhất trong đường hướng hành đạo “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội.
“Trong mỗi giai đoạn lịch sử, dù có những thăng trầm nhưng Phật giáo luôn gắn với vận mệnh dân tộc, thể hiện là một tôn giáo yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, xứng đáng với sự tôn vinh là một tôn giáo có truyền thống 'hộ quốc an dân.' Trong suốt lịch sử dân tộc, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước ,” Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định.
Sau phiên khai mạc toàn thể, các đại biểu tham dự Hội thảo bước vào 6 diễn đàn chuyên đề (mỗi diễn đàn có 3 phiên làm việc) với các nội dung: Các phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 20; Giáo hội Phật giáo Việt Nam và vai trò hộ quốc an dân; Giáo hội Phật giáo Việt Nam và an sinh xã hội; Giáo dục Phật giáo Việt Nam; Giáo dục đạo đức Phật giáo; Văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Với hơn 250 bài tham luận đã đăng ký, tiếp cận từ góc độ lịch sử, tôn giáo, văn hóa học, xã hội học, Hội thảo hướng đến làm rõ bối cảnh ra đời, vai trò và những đóng góp to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa-xã hội và công cuộc bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, quá trình nhập thế gắn với chủ trương “hộ quốc an dân” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vai trò đối ngoại nhân dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, hội thảo hướng đến làm rõ vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, truyền thống đạo đức và đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam với mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới hùng cường của đất nước và các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Ban Tổ chức mong muốn thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức được đón nhận thêm khuyến nghị của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hướng đến Giáo hội kiến tạo, góp phần bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam./.