Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc vì hạnh phúc nhân sinh

Hàng trăm trẻ mồ côi, không nơi nương tựa gọi Đại đức Thích Phước Ngọc là ‘cha’ và xem Trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, là ‘tổ ấm.’

Hàng trăm trẻ mồ côi, không nơi nương tựa gọi Đại đức Thích Phước Ngọc là ‘cha’ và xem Trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là ‘tổ ấm.’

Ở đây, ​các em được ăn học, được chăm sóc, yêu thương trong vòng tay của những tăng, ni, Phật tử, các mạnh thường quân và tình nguyện viên.

Trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương, được thành lập năm 2012, là một trong hàng chục cơ sở từ thiện có pháp nhân độc lập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đại đức Thích Phước Ngọc, tuổi đời 36, tuổi đạo 23, trụ trì chùa Phước Quang, huyện Tam Bình, là người sáng lập và điều hành hoạt động của trung tâm.

Bên cạnh việc nhận nuôi hàng trăm trẻ tại trung tâm và bảo trợ cho nhiều trẻ thiệt thòi tại gia, Đại đức Thích Phước Ngọc còn nỗ lực không mệt mỏi giúp đỡ những người nghèo mắc bệnh trọng, người già neo đơn, chia sẻ với các tù nhân, người nghiện ma túy, để giúp họ thức tỉnh, sống lương thiện và hòa nhập với cộng động xã hội.

Những nỗ lực của vị sư trẻ này đã được Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ghi nhận. Nhà sư đã vinh dự được trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng và lãnh đạo địa phương các cấp.

Đại đức Thích Phước Ngọc cùng các trẻ ở trung tâm cô nhi viện Suối Nguồn Tình Thương. (Nguồn: nhân vật cung cấp)

Thầy Phước Ngọc chia sẻ, “Phật giáo luôn vì sự ấm no, an lạc của chúng sinh. Các tăng ni Phật tử chúng tôi mang sứ mệnh giúp đỡ, an ủi những mảnh đời bất hạnh, thiệt thòi, và lầm lạc. Với những ghi nhận của Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, chúng tôi càng tích cực hơn trong công tác Phật sự, cũng như cảm thấy có trách nhiệm lớn hơn với công tác xã hội.”

Phật giáo từ bi phổ độ những mảnh đời éo le nhất

Ai cũng cảm thấy ái ngại khi nhìn cảnh một sư ông hàng ngày lọ mọ chăm sóc hàng trăm đứa trẻ bệnh tật ở chùa Kỳ Quang 2 ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong suốt hai thập kỷ qua, Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 vừa làm cha, vừa làm mẹ của hơn 200 đứa trẻ mang bệnh, chăm bẵm chúng từ miếng ăn, giấc ngủ, thuốc thang, học hành tới lúc chơi đùa

Hòa thượng Thích Thiện Chiếu cho biết, rất nhiều trẻ được chăm nuôi ở chùa bị thiểu năng trí tuệ, khiếm thị. Có một số trẻ nhiễm HIV, mang bệnh AIDS. Chỉ khoảng 60 trẻ có thể trạng bình thường. Tuy vậy, tất cả các con đều được các tăng ni, bảo mẫu tận tình chăm sóc như nhau không chút nề hà.

Hòa thượng Thích Thiện Chiếu và một trẻ ở chùa (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Các trẻ cũng được đi học chữ như chúng bạn. Với những trẻ bị thiểu năng không theo học được các chương trình giáo dục tại trường thì được học những bài học đạo đức và trị liệu tại chùa. Những trẻ lớn được tham gia các khóa học nghề ngắn hạn, được tư vấn việc làm và kỹ năng tìm việc để có thể nuôi sống bản thân và hòa nhập vào xã hội.

Cũng như thầy Thích Thiện Chiếu, Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, quận Hoàng Mai, thủ đô Hà Nội cũng là một trong nhiều nhà tu hành vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách trong quá trình thực hiện sứ mạng giúp đỡ, cưu mang những người thiệt thòi, những kẻ lạc lõng trong mọi nẻo đời.

[Văn hóa dân tộc Việt Nam mang đậm dấu ấn di sản Đạo Phật]

Vượt lên trên mọi gian khó và những định kiến xã hội, Thượng tọa Thích Thanh Huân đã chứng minh rằng việc nuôi nhận và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS tại chùa mang lại hiệu quả xã hội tích cực.

Thầy Huân cùng đệ tử đã lập ra Câu lạc bộ Hương Sen, mô hình đầu tiên ở Việt Nam chăm sóc người nhiễm HIV tại chùa.

Với sự hỗ trợ của các cấp, ban, ngành và các tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tổ chức phi chính phủ CARE, tổ chức Bắc Âu (NAV), Câu lạc bộ Hương Sen đã giúp tuyên truyền vận động giảm kỳ thị, giúp đỡ người có H.

Hơn 15 năm qua, thầy Thích Thanh Huân đã điều chỉnh những gì sư học được qua thời gian tu học và các chuyến chia sẻ kinh nghiệm thực tế ở gần 30 nước trên thế giới, để áp dụng với các bệnh nhân tại chùa Pháp Vân.

Những người nghiện ma túy, nhiễm AIDS/HIV thường bị người đời xa lánh. Nhưng ở chùa Pháp Vân, họ được chào đón, chăm sóc và điều trị. Tấm lòng từ bi của thầy Huân, những buổi nói chuyện, chia sẻ đã giúp họ cảm nhận được giá trị của đời người và sống tích cực, lành mạnh.

Thầy Thích Thanh Huân và một đoàn nghiên cứu của Nhật Bản đến thăm tìm hiểu hoạt động xã hội của Chùa Pháp Vân. (Nguồn: Hòa thượng Thích Thanh Huân cung cấp)

Thầy Thích Thanh Huân chia sẻ, ban đầu, nhiều người dân trong khu vực không đồng tình với việc nhà chùa tiếp nhận những người nghiện, người có H hay mang bệnh AIDS.

Họ cho rằng chùa là nơi linh thiêng, không nên chứa chấp những người mang tệ nạn xã hội. Nhưng suy cho cùng, họ cũng là người như chúng ta. Con người ai cũng mắc sai lầm. Mắc lỗi không hẳn biến họ là kẻ ác. Thực tế, chính những người bị lạc lối trên đường đời mới cần được giúp đỡ, chia sẻ hơn cả. Ai cũng cần một lối đi.

Mô hình chăm nuôi bệnh nhân HIV/AIDS đã được triển khai thực hiện tại nhiều chùa khác trên cả nước như chùa Hiển Quang, chùa Thanh Am (Hà Nội); chùa Bảo Quang (Hải Phòng); chùa Hải Đức (Thừa Thiên-Huế); chùa Kỳ Quang 2 và chùa Diệu Giác (Thành phố Hồ Chí Minh); chùa Quang Minh (Đà Nẵng), giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân. Nhiều người trong số họ can đảm xuất hiện trước truyền thông, tham gia các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng giúp đỡ nhau tại gia đình, bệnh viện, tại chùa.

Chung sức đồng lòng vì đồng bào và dân tộc

Theo Ban Thông tin và Truyền thông thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có trên 1.000 lớp học tình thương, 64 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi, khuyết tật đã có pháp nhân, được cơ quan chức năng cấp phép thành lập, nuôi dưỡng hơn 3.000 trẻ mồ côi; trên 20 cở sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già neo đơn. Riêng chùa Hoằng Pháp huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, nuôi dưỡng trên 500 cụ già.

Các trẻ ở chùa Kỳ Quang 2, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: TTXVN)

Hiện có khoảng 10 trường dạy nghề miễn phí. Giáo hội còn có 165 Tuệ Tĩnh đường, và hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, hơn chục phòng khám Tây y, Đông-Tây y kết hợp khám và phát thuốc miễn phí.

Trong nhiệm kỳ 2012-2017, toàn Giáo hội các cấp huy động được tổng số tiền cứu trợ, từ thiện lên tới hơn 6.838 tỷ đồng. Riêng năm 2016, Giáo hội Phật giáo vận động được hơn 1.330 tỷ đồng và phẩm vật cho công tác từ thiện xã hội.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, phát huy truyền thống hộ quốc, an dân của Phật giáo Việt Nam, các chức sắc, tăng ni luôn đoàn kết, tích cực góp sức cùng Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, các tổ chức chính trị xã hội, nhất là Mặt Trận Tổ Quốc, đảm bảo công tác an sinh xã hội, theo phương châm “Đạo pháp-Dân tộc- Xã hội Chủ nghĩa.”

Trong suốt những năm qua, Giáo hội Phật giáo các cấp đã vận động ngày càng nhiều tăng ni, Phật tử, nhà hảo tâm, các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài nước chia sẻ những gánh nặng xã hội, tham gia các hoạt động xóa đói, giảm nghèo, thiên tai, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Những đóng góp thầm lặng của các cá nhân, tập thể tăng ni luôn được Đảng, Nhà Nước, Chính phủ, và nhân dân ghi nhận.

Theo tiến sỹ Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, lịch sử ghi nhận những đóng góp lớn lao của Phật giáo Việt Nam trong suốt quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước

Giáo hội Phật giáo đã giúp kết nối các nguồn lực xã hội và giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội. Nhiều ngôi chùa trên cả nước hàng năm tổ chức các khóa tu, buổi giảng, hướng đến thế hệ thanh thiếu niên, qua đó giúp họ phát huy lối sống lành mạnh, tốt đẹp hơn.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm và thắp hương ở chùa Quán Sứ. (Nguồn: Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cung cấp)

Tiến sỹ Dược khẳng định, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, khuyến khích các tôn giáo tham gia đóng góp vào công tác xã hội.

Điều này được nêu cụ thể trong các quy định, pháp lệnh có liên quan, đặc biệt là Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo mới được Quốc Hội khóa XIV thông qua ngày 18/6/2017, sẽ có hiệu lực từ năm tới.

Triết lý Phật giáo đồng điệu với lý tưởng của Đảng Công sản Việt Nam, chính sách pháp luật của Nhà nước, vì nhân sinh hạnh phúc, chăm lo đời sống tinh thần cũng như vật chất cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ, ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chính sự tương đồng này là cơ sở và cơ duyên để Phật giáo phát triển thịnh vượng ở Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục