Tuần lễ an toàn lao động, phòng chống cháy nổ quốc gia

Phát động Tuần lễ an toàn lao động, phòng chống cháy nổ quốc gia

Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 18 được phát động với chủ đề: “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình"
Phát động Tuần lễ an toàn lao động, phòng chống cháy nổ quốc gia ảnh 1Diễn tập chữa cháy, cứu hộ cứu nạn lao động. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Kỳ họp thứ IX Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật An toàn vệ sinh lao động và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7.

Để luật đi vào cuộc sống, Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 18 được phát động sáng 19/3 tại Hưng Yên, với chủ đề: “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn vệ sinh lao động”.

Phát biểu tại buổi lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, an toàn lao động là quyền cơ bản của con người và đã được pháp luật quy định đầy đủ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội. Trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động và phòng chống cháy nổ phải được thực hiện nghiêm, không thể vì hành vi chủ quan mà gây thiệt hại về tính mạng con người.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn, lễ phát động lần này sẽ thêm tiếng nói để tất cả mọi người, trước hết bản thân người lao động ý thức quyền nghĩa vụ của mình và người sử dụng lao động ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị, ban ngành phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp và người lao động ý thức phòng ngừa bằng các biện pháp đồng bộ, phải mua bảo hiểm cho người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về an toàn vệ sinh lao động.

Thời gian tổ chức tuần lễ là từ ngày 20 đến 26/3. Hưởng ứng tuần lễ an toàn vệ sinh lao động, các địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời và công khai các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phóng chống cháy nổ Doãn Mậu Diệp, hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm.

Hơn nữa, theo thứ trưởng, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người còn chậm, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với những vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn vệ sinh lao động còn ít.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, trong năm 2015, toàn quốc xảy ra hơn 7.600 vụ tai nạn lao động làm gần 7.800 người bị nạn, trong đó số người chết là 666 người, số người bị thương nặng là 1.704 người.

Đặc biệt, năm 2015 có nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra hết sức nghiêm trọng như: Vụ tai nạn do sập giàn giáo ngày 25/3/2015 tại Dự án Formosa khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) làm 13 người chết, 29 người bị thương...

Về nguyên nhân của tai nạn nạn lao động, 53% số vụ tai nạn lao động là do doanh nghiệp không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, tổ chức lao động không hợp lý và điều kiện lao động không đảm bảo, 19% số vụ tai nạn lao độn là do người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, 28% số vụ còn lại là do các nguyên nhân khác.

Trong năm 2015, toàn quốc xảy ra 2.000 vụ cháy làm chết hơn 90 người, bị thương 143 người, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 1.300 tỷ đông và hơn 1.300 ha rừng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục