Phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em

Sức mạnh âm nhạc thể hiện bởi các nghệ sỹ tài năng được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi nhận thức về vấn đề lao động trẻ em của toàn xã hội.
Trẻ em tham gia vào sáng tác tranh với thông điệp ngăn chặn lao động trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trẻ em tham gia vào sáng tác tranh với thông điệp ngăn chặn lao động trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hôm nay 27/4, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Save the Children International và Tổ chức Good Neighbors International chính thức phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về phòng, chống lao động trẻ em của Việt Nam.

Cuộc thi kêu gọi các nhạc sỹ chuyên nghiệp và không chuyên, không giới hạn độ tuổi và thể loại tham gia sáng tác bài hát dự thi để truyền cảm hứng cho hành động phòng chống lao động trẻ em. Cuộc thi nhằm hưởng ứng Năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em của Liên hợp quốc.

Cuộc thi hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về lao động trẻ em. Đây là vấn đề hiện ảnh hưởng tới 1/10 trẻ em trên toàn thế giới và 5,3% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 5-17, tương ứng với hơn một triệu trẻ em cả nước.

Cuộc thi sáng tác ca khúc về phòng, chống lao động trẻ em của Việt Nam nhận bài dự thi từ nay tới 27/8 với hai thể loại tác phẩm: Ca khúc và hợp xướng. Các tác giả và nhóm tác giả có thể đăng ký dự thi tối đa ba tác phẩm thuộc hai thể loại nói trên. Tác phẩm dự thi phải là nguyên tác và mới được sáng tác trong vòng 2 năm trở lại đây.

Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia và nhạc sỹ chuyên nghiệp sẽ lựa chọn 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và 4 giải Khuyến khích cho cả hai hạng mục dự thi. Tác giả có tác phẩm đạt giải sẽ được nhận chứng nhận giải thưởng và tiền thưởng bằng tiền mặt với tổng giá trị lên tới 168 triệu đồng. Lễ trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 21/9.

[Tỷ lệ lao động trẻ em của Việt Nam thấp hơn 2% mức trung bình khu vực]

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Trưởng ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng rằng sức mạnh âm nhạc, được thể hiện bởi các nghệ sỹ tài năng, sẽ tạo ra sự thay đổi nhận thức về vấn đề lao động trẻ em của toàn xã hội.”

Nghệ sỹ nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Trưởng ban tổ chức, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, kêu gọi các nhạc sỹ và nghệ sỹ trên toàn quốc cùng hưởng ứng tham gia cuộc thi, nhằm thông qua các tác phẩm của mình chung tay trong cuộc đấu tránh phòng chống lao động trẻ em và thúc đẩy quyền trẻ em.

Cuộc thi sáng tác ca khúc về phòng, chống lao động trẻ em năm 2021.

Tỷ lệ lao động trẻ em trên toàn cầu đã giảm đến 40% trong hai thập kỷ qua, thế nhưng đáng buồn là đại dịch COVID-19 đang đe dọa đảo ngược tiến trình này.

Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết: “Lao động trẻ em khiến tình trạng nghèo đói tồn tại dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác khi con cái của những gia đình nghèo không được đi học, làm hạn chế cơ hội để các em có thể thay đổi vị trí xã hội. Lao động trẻ em tước đi tương lai tươi sáng hơn mà các em xứng đáng được hưởng và kết quả là cả xã hội bị từ chối một tương lai tốt đẹp hơn.”

“Trẻ em phải được tự do phát huy mọi tiềm năng của mình và được bảo vệ trước nguy cơ bị bóc lột lao động hay nguy cơ phải làm những công việc độc hại. Đây là vấn đề đạo đức nhưng cũng là một nhiệm vụ kinh tế. Với việc tăng cường tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đảm bảo không có lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng của mình,” ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh./.

Năm 2021 được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua là Năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em trong nghị quyết năm 2019. Mục tiêu chính của Năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em là nhằm kêu gọi các chính phủ triển khai những hành động cần thiết để thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7 của Liên hợp quốc.

Mục tiêu 8.7 kêu gọi các quốc gia thành viên triển khai các biện pháp tức thì và hiệu quả nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, chấm dứt nô lệ hiện đại và buôn bán người, nghiêm cấm và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất bao gồm cả việc tuyển mộ và sử dụng binh lính trẻ em, và chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục