Phát động cuộc thi game "Trường học trong mơ" dành cho học sinh

Là một hoạt động kết hợp giữa chơi game và giáo dục, cuộc thi Trường học trong mơ cho phép học sinh tự chọn vật liệu, tự thiết kế và xây dựng ngôi trường trong mơ của mình trên máy tính.
Tùng Lâm, học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Thực nghiệm đang thuyết trình về ngôi trường trong mơ của mình. (Ảnh: Nguyễn Đức Toàn)

Là một hoạt động kết hợp giữa chơi game và giáo dục, tham gia cuộc thi Trường học trong mơ (Global dream school), các học sinh sẽ tự chọn vật liệu, tự thiết kế và xây dựng ngôi trường trong mơ của mình như một trò chơi game trên máy tính. 

Cuộc thi vừa được các giáo viên thực hiện dự án Trường học trong mơ của trường Trung học phổ thông Thực nghiệm phát động ngày 15/7.

Theo thầy giáo Nguyễn Đức Toàn, người sáng lập dự án, cuộc thi đã có sự tham gia của học sinh 15 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Brazil, Malaysia…

“Cách thức tham gia rất đơn giản, thí sinh chỉ cần đăng ký qua mạng hoặc gửi thông tin trực tiếp đến ban quản lý dự án, chúng tôi sẽ thiết lập một tài khoản riêng cho từng đội để tham gia cuộc thi,” thầy Toàn cho biết.

Cũng theo thầy Toàn, với cuộc thi này, các em học sinh sẽ sử dụng kiến thức tin học, toán học, vật lý, địa lý và trí tưởng tượng, sự sáng tạo của mình để xây dựng một ngôi trường theo đúng mong muốn của các em. Các học sinh có thể chơi thành từng đội, cùng lên ý tưởng và sau đó mỗi thành viên sẽ phụ trách một hạng mục nào đó trong ngôi trường mơ ước của mình.

Vì thế, các em có thể ứng dụng những kiến thức đã học của mình, thử tài thiết kế, xây dựng, đồng thời thể hiện kỹ năng làm việc nhóm, kích thích sự sáng tạo.

“Cuộc thi có sự tham gia của các học sinh quốc tế nên các em cũng có cơ hội để cọ xát, trau dồi ngoại ngữ. Trong khi đó, các em vẫn được thoả mãn đam mê chơi game của mình,” thầy Toàn nói.

Các học sinh xuất sắc sẽ được nhận giấy chứng nhận của Microsoft và quà của các nhà tài trợ.

Dự án Trường học trong mơ được thầy Toàn lấy ý tưởng từ việc nhận thấy học sinh rất ham mê chơi các trò chơi điện tử, không tập trung cho việc học và khiến cha mẹ phiền lòng. 

“Tôi nghĩ tại sao không kết hợp game và giáo dục? Đó cũng là cách chúng ta truyền tải tri thức cho các em bằng chính kênh giao tiếp, kênh tiếp nhận của các em thay vì lối giảng dạy truyền thống, và điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn,” thầy Toàn chia sẻ.

Ngay từ khi có ý tưởng, thầy Toàn đã bắt tay vào triển khai dự án và đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các em học sinh và ban giám hiệu trường Trung học phổ thông Thực nghiệm. 

“Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng này. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy luôn được nhà trường khuyến khích đối với các giáo viên để khích lệ sự sáng tạo của họ và nâng cao hiệu quả giáo dục,” bà Phan Thị Luyến, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Thực nghiệm cho biết.

Không chỉ nhận được sự ủng hộ từ nhà trường và các học sinh trong nước, Dự án của thầy Toàn đã được nhiều bạn bè quốc tế hưởng ứng.

Sau khi được Microsoft lựa chọn là đại diện Việt Nam tham dự diễn đàn giáo dục quốc tế đầu năm 2015, thầy Toàn có thêm cơ hội để chia sẻ các thông tin về dự án, mối trăn trở của mình về việc ứng dụng game trong giáo dục với các chuyên gia nước ngoài và đã nhận được nhiều người ngỏ ý tham.

“Là một nhà giáo, tôi luôn mong mỏi làm sao để học trò của mình có thể phát triển tốt nhất các tố chất của các em và tôi rất vui khi thấy ý tưởng của mình được các em đón nhận. Tôi hy vọng cuộc thi sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các học sinh trong và ngoài nước tham gia, để học sinh Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với bạn bè quốc tế và học sinh quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam,” thầy Toàn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục