Trước tình trạng buôn bán chó, mèo để lấy thịt làm món ăn đang diễn ra tràn lan ở châu Á, Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS) vừa phát đi thông điệp kêu gọi người dân Việt Nam thể hiện thái độ phản đối nạn buôn bán thịt chó, mèo và đồng lòng đề xuất Chính phủ sớm có chỉ đạo để chấm dứt nạn buôn bán này.
Với thông điệp “đây không phải Việt Nam,” chiến dịch mong muốn mỗi người dân sẽ gửi một thông điệp ngắn để bày tỏ thái độ, mong muốn chấm dứt ngay tình trạng buôn bán thịt chó, mèo trên khắp đất nước, thông qua website: thisisnotvietnam.org.
Theo khảo sát của FOUR PAWS, hằng năm, ước tính có khoảng 10 triệu cá thể chó và mèo bị bắt, vận chuyển và giết mổ để lấy thịt ở Campuchia, Việt Nam và Indonesia. Vấn nạn này không chỉ cho thấy sự tàn ác đối với động vật, mà còn tiềm ẩn nhiều mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là bệnh dại và sự xuất hiện của các dịch bệnh khác.
Tuy nhiên, tất cả sự tàn nhẫn và những hiểm họa trên chỉ phục vụ cho lợi ích của một số ít cá nhân. Trong một cuộc khảo sát được tiến hành năm 2019, FOUR PAWS chỉ ra rằng chỉ có 6% người Việt Nam thường xuyên tiêu thụ thịt chó và/hoặc thịt mèo.
[Photo: Ngắm vẻ đẹp của thú cưng tại triển lãm ở Canada]
Trong một cuộc khảo sát được Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu thực hiện vào đầu năm 2021 tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng cho thấy 91% người dân phản đối việc buôn bán thịt chó và mèo; 88% người dân ủng hộ lệnh cấm buôn bán thịt chó và mèo; 95% người dân trả lời khảo sát cho rằng ăn thịt chó, mèo không phải là văn hóa của Việt Nam.
Chia sẻ về tầm quan trọng của chiến dịch nói không với nạn buôn bán thịt chó, mèo trên, tiến sĩ Karan Kukreja, Giám đốc chiến dịch về động vật đồng hành tại Đông Nam Á cho rằng nhận thức của người dân và hình ảnh một Việt Nam buôn bán thịt chó mèo đang thay đổi và đây chính là cơ hội để Chính phủ Việt Nam hành động ngay từ bây giờ.
Mục đích của chiến dịch là kêu gọi Chính phủ sớm ban hành, bổ sung và thực thi luật bảo vệ động vật nhằm chấm dứt nạn buôn bán chó, mèo làm thịt tàn bạo này. Điều này sẽ không chỉ bảo vệ động vật mà cả con người khỏi các nguy cơ sức khỏe cộng đồng.
“Bề ngoài, quá trình này có vẻ chậm nhưng thực tế ở Việt Nam, thay đổi đang diễn ra nhanh hơn mọi người nghĩ. Mới đây, nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương và FOUR PAWS, Hội An đã trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam quyết tâm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo,” tiến sĩ Karan Kukreja nói.
Hiện tại, bản kiến nghị của FOUR PAWS gửi đến Chính phủ Việt Nam, Campuchia và Indonesia yêu cầu hành động để chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo đã có hơn 1,4 triệu chữ ký, trong đó có gần 250.000 người Việt Nam./.