Sáng 25/9, tại trụ sở Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu tại phiên Đối thoại cấp cao về xóa đói giảm nghèo.
Sau đây, TTXVN trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc Đối thoại này.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Xóa đói nghèo là mục tiêu đầu tiên trong 8 MDGs mà chúng ta đã nỗ lực phấn đấu; đồng thời tiếp tục là mục tiêu bao trùm và thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững tại mọi quốc gia. Do đó, tôi đánh giá cao quyết định tổ chức phiên đối thoại về chủ đề xóa đói nghèo trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Chúng tôi vui mừng ghi nhận trong 15 năm qua, hơn 700 triệu người trên thế giới đã thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực. Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia đã thực hiện thành công hầu hết các Mục tiêu MDGs và thành tích ấn tượng nhất là đã đạt Mục tiêu về giảm nghèo trước hạn gần 10 năm. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam giảm mạnh và liên tục, từ 58,1% năm 1993 xuống 28,9% năm 2002, 14,2% năm 2010 và 8,4% năm 2014.
Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới vẫn còn hơn 1 tỷ người sống trong nghèo đói. Đồng thời đảm bảo xóa đói nghèo bền vững vẫn là thách thức của mọi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Trên cơ sở kinh nghiệm mà Việt Nam đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu MDGs, tôi xin nêu một số đề xuất sau:
Thứ nhất, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề đói nghèo toàn diện hơn, nhanh chóng chuyển đổi cách tiếp cận về giảm nghèo từ đơn chiều, chủ yếu dựa trên tiêu chí về thu nhập sang tiếp cận đa chiều nhằm hướng tới mục tiêu cao hơn và đảm bảo giảm nghèo bền vững. Với cách tiếp cận trên, Việt Nam đã thông qua Đề án mới về giảm nghèo, trong đó xác định rõ ngoài thu nhập còn có 5 thành tố khác là tiếp cận y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Thứ hai, cần lồng ghép giảm nghèo trong các chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thúc đẩy ý thức vượt khó, tự vươn lên của người nghèo. Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường biện pháp và nguồn lực hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, các vùng, địa phương nghèo và thiệt thòi nhất, đặc biệt về hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập, cải thiện các dịch vụ y tế, giáo dục... theo phương châm hỗ trợ “con cá” lúc khó khăn ban đầu, tiếp đó là “cần câu” để chính người dân tự vươn lên thoát nghèo. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Thứ ba, là cần tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác toàn cầu vì phát triển nhằm hỗ trợ nỗ lực xóa đói nghèo của các nước đang phát triển, trong đó Liên hợp quốc đóng vai trò tư vấn, thúc đẩy và điều phối quan trọng. Trên tinh thần đó, tôi kêu gọi các nước phát triển tăng cường viện trợ phát triển và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển trên lĩnh vực xóa đói nghèo.
Xin cám ơn Ngài Chủ tịch./.