Phát biểu của Phó Chủ tịch nước tại Hội nghị Phong trào Không liên kết

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 18.
Quang cảnh khai mạc hội nghị. (Nguồn: TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Baku, ngày 25/10, Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 18 đã khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan.

Với chủ đề “Nêu cao các nguyên tắc Bangdung nhằm ứng phó đầy đủ và phối hợp xử lý các thách thức của thế giới đương đại,” Hội nghị Cấp cao Baku có sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao và đại diện 120 quốc gia thành viên Không liên kết, đại diện các nước quan sát viên và các tổ chức quốc tế.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Hội nghị:

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa Quý vị đại biểu,

Thay mặt Đoàn đại biểu nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn Chính phủ nước Cộng hòa Azerbaijan đã dành sự tiếp đón chu đáo và trọng thị cho đoàn Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết.

[Phó Chủ tịch nước dự khai mạc Hội nghị Phong trào Không liên kết]

Tôi cũng xin chúc mừng Azerbaijan trên cương vị Chủ tịch Phong trào Không liên kết nhiệm kỳ 2019-2022 và tin tưởng rằng Azerbaijan sẽ có những đóng góp quan trọng giúp Phong trào phát huy vị thế, vai trò và giá trị trong đời sống chính trị quốc tế hiện nay.

Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của nước Cộng hòa Bolivar Venezuela trên cương vị Chủ tịch trong 3 năm qua.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng thế giới ngày nay đang phải chứng kiến những diễn biến phức tạp do sự cạnh tranh, cọ xát chiến lược gay gắt giữa các nước lớn và việc không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, các hành động đơn phương, chính trị cường quyền đã làm suy giảm vai trò và tính hiệu quả của các cơ chế đa phương trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố…

Nhiều cuộc xung đột, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo chưa được giải quyết, tiếp tục phương hại đến môi trường an ninh của các nước, nhất là các nước đang phát triển.

Phong trào Không liên kết cũng đang phải đối mặt với chính những thách thức đó, nhưng ở một mức độ nghiêm trọng hơn do sự hạn chế chung về nguồn lực, sự gia tăng khác biệt về lợi ích giữa một số nước thành viên và sự can thiệp, gây sức ép, áp đặt đơn phương đến từ bên ngoài.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, trong bối cảnh thế giới bị phân cực và cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, Hội nghị Á-Phi đã được tổ chức tại Bangdung, Indonesia năm 1955, dẫn tới sự ra đời 10 nguyên tắc Bangdung về tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.

Các nguyên tắc này đã trở thành kim chỉ nam của Phong trào Không liên kết, là cơ sở hình thành ý thức và nhu cầu đoàn kết giữa các quốc gia thành viên Phong trào nhằm chống chủ nghĩa đơn phương, chính trị cường quyền, bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, tạo nên sức mạnh, giúp các nước nhỏ và vừa tham gia vào đời sống chính trị quốc tế trên tinh thần thực sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Trên tinh thần đó, Việt Nam kêu gọi dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh cấm vận, trừng phạt đơn phương chống Cuba và các thành viên khác của Phong trào, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine, ủng hộ các nỗ lực giải quyết bằng biện pháp hòa bình các tranh chấp ở các khu vực, nhất là tại Trung Đông, châu Phi và bán đảo Triều Tiên.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trước những thách thức to lớn hiện nay, tinh thần đoàn kết với nền tảng là các nguyên tắc Bangdung là nguồn sức mạnh quan trọng nhất giúp Phong trào tiếp tục là ngọn cờ đầu thúc đẩy thượng tôn pháp luật, dân chủ hóa quan hệ quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, Phong trào cần tiếp tục dành sự ủng hộ chính trị cho các nước đang phát triển, các nước vừa và nhỏ được sống trong hòa bình, ổn định, được lựa chọn con đường phát triển, có tiếng nói trên các vấn đề quốc tế; thúc đẩy xây dựng các cấu trúc quản trị toàn cầu có tính đại diện, đáng tin cậy và hiệu quả, dựa trên quan hệ đối tác và hợp tác.

Vì vậy, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này là “Nêu cao các nguyên tắc Bangdung nhằm bảo đảm ứng phó đầy đủ và phối hợp trước các thách thức của thế giới đương đại.”

Thưa Ngài Chủ tịch và Quý vị Đại biểu,

Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như công cuộc đổi mới và hội nhập của Việt Nam hiện nay gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Phong trào Không liên kết.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam nỗ lực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN với 10 quốc gia có trình độ phát triển khác nhau nhưng phấn đấu vì các mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của các dân tộc ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982).

Việt Nam kêu gọi mọi tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả.

Việt Nam cũng đề nghị Phong trào Không liên kết dành sự quan tâm thích đáng và ủng hộ các nỗ lực vì hòa bình, an ninh và ổn định tại Đông Nam Á, tôn trọng quan điểm, lập trường của các nước thành viên Phong trào có liên quan.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, trên cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ luôn kiên trì các nguyên tắc và mục tiêu của Phong trào Không liên kết, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và sát cánh cùng các nước thành viên đóng góp tích cực để Phong trào Không liên kết thực sự đoàn kết, ứng phó toàn diện, kịp thời và hiệu quả trước các thách thức, phát huy tiếng nói của các nước đang phát triển vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục