Phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngành ngoại giao

70 năm xây dựng và phát triển đất nước cũng là 70 năm ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, phục vụ đắc lực cho các sứ mệnh cách mạng cao cả.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 27/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam và đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ hai.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự và phát biểu ý kiến. VietnamPlus trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các vị đại biểu và các vị khách quý,

Đất nước ta, dân tộc ta đang sống trong những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 hào hùng, lịch sử. Đúng vào những ngày này 70 năm trước, trong không khí sục sôi chiến thắng của cả dân tộc, Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập. Cùng với sự hình thành các cơ cấu đầu tiên của chính quyền Cách mạng, Bộ Ngoại giao đã ra đời và được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện chính trị quan trọng này không chỉ là niềm vinh dự to lớn của ngành ngoại giao mà còn cho thấy Đảng và Bác Hồ đặc biệt coi trọng vai trò công tác đối ngoại ngay từ những buổi đầu lập nước.

Trong ngày vui lớn của ngành Ngoại giao hôm nay, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo và cán bộ Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ cùng toàn thể gia đình các đồng chí lời chúc mừng và lời thăm hỏi thân thiết nhất. Tôi cũng chúc mừng ngành ngoại giao được Đảng và Nhà nước trao tặng huân chương Sao Vàng lần thứ hai - phần thưởng cao quý nhất thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những công lao, đóng góp to lớn của ngành vào sự nghiệp chung của dân tộc.

Trong không khí trang nghiêm, xúc động này, với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người sáng lập ra nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Chúng ta cũng mãi mãi ghi nhớ công lao của các bậc ngoại giao lão thành, ghi nhận sự đóng góp quan trọng của lớp lớp thế hệ cán bộ, nhân viên công tác trên mặt trận đối ngoại.

Thành công của ngành ngoại giao được xây đắp trước hết từ những nỗ lực cống hiến không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh, mất mát của các đồng chí.

Thưa các đồng chí và các vị khách quý,

Có thể khẳng định 70 năm xây dựng và phát triển đất nước cũng là 70 năm ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, cùng với các mặt trận quốc phòng-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội phục vụ đắc lực cho các sứ mệnh cách mạng cao cả. Ngay từ buổi đầu dựng nước đầy khó khăn, ngoại giao đã là mũi chủ công để đối phó với “thù trong” lẫn “giặc ngoài,” là vũ khí quan trọng nhằm củng cố, kéo dài thời gian hòa bình quý giá để xây dựng lực lượng, tích lũy thế và lực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền độc lập mới giành được và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập và tự do của dân tộc.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, “ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược,” phối hợp nhịp nhàng cùng với các mặt trận chính trị, quân sự vừa phát huy thế mạnh trên chiến trường vừa góp phần làm sáng tỏ chính nghĩa sự nghiệp bảo vệ và thống nhất đất nước từ đó tập hợp được mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của các hội nghị Geneva và Paris mãi mãi đi vào lịch sử, là những mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thưa các đồng chí và các vị khách quý,

Bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình, đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, ngoại giao càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc ổn định và tái thiết đất nước, phá bao vây cấm vận, thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, góp phần tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ sự hợp tác và ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.

30 năm đổi mới đã chứng kiến những đóng góp hết sức nổi bật của ngành ngoại giao vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Từ tình thế bị bao vây, cô lập, chúng ta đã mở rộng quan hệ đối ngoại chưa từng có cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Từ vỏn vẹn 11 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1954, đến nay chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có quan hệ hợp tác tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta đã giữ vững chủ quyền lãnh thổ, tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia vào hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, thu hút gần 260 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang chủ động, tích cực khẳng định vai trò trong các diễn đàn đa phương quan trọng cũng như các liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực và quốc tế.

Phải khẳng định rằng chưa bao giờ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta lại có mối quan hệ quốc tế rộng khắp, bình đẳng và hữu nghị, có môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và có vị thế quốc tế vững vàng, thuận lợi như ngày nay. Những thành công đó có được là do sự kết hợp nhân tố dân tộc và thời đại trong đó nhân tố trung tâm, xuyên suốt và có tính quyết định chính là đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, kết tinh ở một số bài học lớn có giá trị sâu sắc cho cả hôm nay và mai sau:

Trước hết, đó là đường lối đối ngoại đúng đắn, luôn đặt lợi ích chính đáng của dân tộc lên trên hết, độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối, chính sách, kiên trì về nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt và sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Thứ hai, đó là chính sách tập hợp lực lượng tài tình, biết tận dụng triệt để mối tương tác giữa thế và lực, “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn,” phát huy tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, kết hợp khéo léo giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, để tạo ra sức mạnh tổng hợp đưa đất nước vượt qua mọi thách thức và vững bước tiến lên.

Thứ ba, đó là tư duy nhạy bén trong việc dự báo, nắm bắt, tranh thủ và tạo dựng thời cơ, “ biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến,” nắm vững sự vận động của các mối tương quan giữa thế và lực đất nước với cục diện quốc tế.

Thứ tư, đó là chúng ta biết phát huy và nêu cao những giá trị và bản sắc của dân tộc Việt Nam như truyền thống hòa hiếu, tinh thần yêu nước nồng nàn, đoàn kết, yêu chuộng hòa bình, đề cao chính nghĩa, công bằng, nhân ái. Các truyền thống tốt đẹp đó đã tạo thành sức mạnh của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, biết tranh thủ đối tác, thu phục đối thủ, thêm bạn bớt thù, “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thưa các đồng chí và các vị khách quý,

Thập niên thứ hai của thế kỷ 21 đã đi được nửa chặng đường trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến rất nhanh, đa dạng và ngày càng phức tạp. Đối với nước ta, công cuộc đổi mới toàn diện đã và đang tạo ra những tiền đề, cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục nâng cao sức mạnh tổng hợp và vị thế của đất nước, tạo cơ hội để chúng ta phát triển nhanh hơn. Mặt khác, những khó khăn và yếu kém nội tại cùng những thách thức đặt ra trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông, bảo vệ Đảng và chế độ Xã hội chủ nghĩa cũng ngày càng gay gắt, đe dọa đến sự ổn định và phát triển của đất nước.

Tình hình trên đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn, thử thách ngày càng lớn hơn cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới là phải phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng nền tảng để sớm đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, ngành ngoại giao cần kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; đưa quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng có chung biên giới, các nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích.

Chúng ta kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định chính trị của đất nước. Chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử của khu vực. Đồng thời, chúng ta triển khai mạnh mẽ tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả, trên cơ sở phát huy nội lực, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, tăng cường ngoại giao đa phương, phát huy vai trò tích cực của Việt Nam trong các thể chế khu vực và toàn cầu nhằm tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi cho an ninh - phát triển và tăng cường sức mạnh tổng hợp và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại thời gian tới, ngành ngoại giao cần tiếp tục thực hiện tốt một số việc sau:

Một là, trên cơ sở kiên định lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, thấm nhuần và quán triệt sâu sắc đường lối chính sách của Đảng, vận dụng linh hoạt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh; ngoại giao cần không ngừng sáng tạo và đổi mới tư duy mạnh mẽ, nhạy bén hơn nữa để bắt kịp với các diễn biến của thời cuộc.

Hai là, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến chuyển sâu sắc, nhanh chóng và hết sức phức tạp, ngoại giao cần phải tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình nhạy bén, chủ động, kịp thời hơn nữa để có chiến lược và chính sách sát thực tế, hiệu quả, linh hoạt, đảm bảo được lợi ích dân tộc, tranh thủ tối đa các cơ hội, hóa giải hiệu quả các nguy cơ, góp phần tạo được thế và lực tốt nhất cho đất nước.

Ba là, để thực hiện tốt nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong giai đoạn mới, ngành ngoại giao cần dành ưu tiên cao cho việc xây dựng lực lượng và bồi đắp nhân tố con người. Toàn ngành ngoại giao và bản thân mỗi đồng chí cán bộ ngoại giao cần ý thức sâu sắc điều này để không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ mọi mặt, cả “đức” lẫn “tài”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân và đất nước.

Thưa các đồng chí và các vị khách quý,

Mục tiêu cao cả của Đảng và dân tộc ta là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Là một đất nước đã từng trải qua chiến tranh, chia cắt, chúng ta thấu hiểu hơn ai hết giá trị thiêng liêng của việc bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển vững bền của đất nước.

Là một bộ phận cấu thành hết sức quan trọng trong tổng thể sức mạnh của hệ thống chính trị đất nước, ngành ngoại giao có vai trò then chốt trong việc gánh vác trách nhiệm nặng nề, khó khăn nhưng cũng rất đỗi vinh quang đó. Trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn chăm lo, xây dựng ngành ngoại giao ngày càng vững mạnh, luôn đặt trọn niềm tin yêu vào các đồng chí – những người lính trên mặt trận đối ngoại, những chiến sỹ của hòa bình.

Nhân ngày vui của ngành hôm nay, tôi xin chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành công mới.

Xin trân trọng cám ơn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục