Theo trang mạng theguardian.com/theweek.com, ngày 10/3 vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong chiến dịch tranh cử trước thềm cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 9/4 tới, khẳng định Israel “không phải là đất nước của tất cả các công dân nước này.”
Thủ tướng nói rõ rằng tất cả công dân, bao gồm cả người Arab, đều có quyền bình đẳng, nhưng lại đề cập đến một đạo luật gây tranh cãi sâu sắc được thông qua hồi năm ngoái tuyên bố Israel là quốc gia của người Do Thái.
Cụ thể, năm 2018, Israel đã thông qua “đạo luật quốc gia,” tuyên bố Israel là quê hương lịch sử của người Do Thái và đánh giá thấp tiếng Arab - coi đó là 1 ngôn ngữ có “vị thế đặc biệt.”
Trong thông điệp của mình hôm 10/3, trực tiếp nhắm vào nữ diễn viên Rotem Sela - người đã lên tiếng chỉ trích chính phủ vì cách đối xử không công bằng với công dân Arab, Netanyahu nói rằng bởi “luật quốc tịch cơ bản mà chúng ta đã thông qua, Israel là đất nước của người Do Thái - và chỉ người Do Thái.”
Thủ tướng Netanyahu khẳng định “không có vấn đề gì xảy ra với công dân Arab ở Israel. Họ có quyền bình đẳng như tất cả chúng ta và chính phủ Likud (đảng cánh hữu của ông) đã đầu tư vào khu vực Arab nhiều hơn bất kỳ chính phủ nào khác.”
Khi những bình luận của ông gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ ở Israel, Netanyahu một lần nữa nhắc lại vấn đề này ngay ở phần đầu của một cuộc họp nội các.
Ông gọi Israel là “nhà nước của người Do Thái, là nhà nước dân chủ” với các quyền bình đẳng, nhưng “đất nước này không phải là của tất cả mọi công dân, mà chỉ là của người dân Do Thái.”
Ông Netanyahu đã bị buộc tội phỉ báng người Arab ở Israel, chiếm 17% dân số nước này, trong bối cảnh ông đang nỗ lực thúc đẩy cử tri bỏ phiếu cho đảng cánh hữu của mình trong cuộc bầu cử sắp tới.
Ông đã liên tục cảnh báo rằng các đối thủ của ông sẽ nhận được sự ủng hộ của các phe phái Arab và họ sẽ nhượng bộ đáng kể cho người Palestine.
[Biểu tình tại Israel sau thông báo truy tố Thủ tướng Netanyahu]
Ông Netanyahu, vốn hứng chịu sự đe dọa từ các cáo buộc về tội tham nhũng, đang phải đối mặt với một thách thức khó khăn từ liên minh chính trị theo chủ trương ôn hòa do cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz và cựu Bộ trưởng Tài chính Yair Lapid dẫn đầu.
Những quan điểm ôn hòa và các thành tích an ninh của liên minh - bao gồm cả 3 cựu Tham mưu trưởng quân sự khác - đã giúp liên minh này đánh bại những tuyên bố của Netanyahu cho rằng các nhà lãnh đạo của liên minh chỉ là những người phe cánh tả “yếu kém.”
Các đảng phái Arab sẽ cực kỳ khó trở thành một phần của bất kỳ chính phủ liên minh nào sau cuộc bầu cử.
Những người Arab ở Israel đều là những người Palestine vốn vẫn luôn sinh sống trên mảnh đất của họ sau khi Israel thành lập vào năm 1948 và phần lớn ủng hộ sự nghiệp của người Palestine.
Ông Netanyahu lãnh đạo những gì được coi là chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử Israel và cho biết ông muốn một liên minh tương tự sau cuộc bầu cử sắp tới./.