Ngày 19/3, Pháp cho rằng Liên minh châu Âu (EU) phải thảo luận về vai trò của Iran tại Syria và Yemen, cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.
Tuyên bố của Pháp được đưa ra trong bối cảnh Paris tìm cách duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran trước hạn chót 12/5 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ấn định để đưa ra quyết định về vấn đề này.
Trả lời các phóng viên khi tham dự một cuộc gặp với những người đồng cấp EU để thảo luận về Iran, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh Paris quyết tâm đảm bảo rằng thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) sẽ được thực thi, song cho rằng "không được loại trừ trách nhiệm của Iran trong việc phát triển tên lửa đạn đạo, cũng như vai trò của nước này ở Trung và Cận Đông."
[Iran chỉ trích sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào Trung Đông]
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Pháp cùng Anh và Đức đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran trước hạn chót ngày 12/5, thời điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ấn định để đưa ra quyết định về vấn đề này.
Hồi tuần trước, hãng tin Reuters của Anh dẫn một tài liệu mật cho biết, Anh, Pháp và Đức đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới của EU đối với Iran do các tên lửa đạn đạo và vai trò của Tehran trong cuộc chiến ở Syria.
Trong khi đó, với vai trò từng chủ trì các vòng cuối trong tiến trình đàm phán JCPOA giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini cho biết liên minh này chưa có đề xuất bổ sung trừng phạt nào đối với Tehran, song nhấn mạnh sẽ thảo luận các cách thức để có thể duy trì việc thực thi toàn diện thỏa thuận JCPOA với Tehran.
Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung, được Iran ký kết với nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015. Theo thỏa thuận này, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Tuy nhiên, vào năm ngoái, Tổng thống Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
Tới tháng 1/2018, ông Trump ra thời hạn 120 ngày để các nghị sĩ Mỹ và các đồng minh châu Âu tìm cách "sửa đổi" nội dung nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận. Tổng thống Trump lo ngại rằng một phần của JCPOA sẽ hết hiệu lực vào năm 2026 mà không thể giải quyết chương trình tên lửa của Iran, cũng như việc Tehran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Nếu Mỹ rút khỏi, thỏa thuận sẽ sụp đổ khi Tehran cũng từ chối đàm phán lại theo yêu cầu của Washington./.