Pháp xét xử cựu quan chức Rwanda liên quan thảm họa diệt chủng 1994

Ngày 21/1, tòa phúc thẩm ở thủ đô Paris (Pháp) xác nhận sẽ đưa ra xét xử ông Laurent Bucyibaruta, một cựu quan chức Rwanda, liên quan đến vụ thảm sát hơn 800.000 người, chủ yếu là người sắc tộc Tutsi.
Pháp xét xử cựu quan chức Rwanda liên quan thảm họa diệt chủng 1994 ảnh 1Người dân Rwanda thắp nến trong lễ tưởng niệm tội ác diệt chủng được tổ chức tại sân vận động Amahoro ở thủ đô Kigali, Rwanda. (Nguồn: AP)

Ngày 21/1, tòa phúc thẩm ở thủ đô Paris (Pháp) xác nhận sẽ đưa ra xét xử ông Laurent Bucyibaruta, một cựu quan chức Rwanda, liên quan đến vụ thảm sát hơn 800.000 người, chủ yếu là người sắc tộc Tutsi, năm 1994.

Ông Bucyibaruta là cựu quan chức tại tỉnh Gikongoro (miền Nam Rwanda) và sinh sống tại Pháp kể từ năm 1997.

Ông bị cáo buộc các tội danh diệt chủng, đồng lõa diệt chủng và tội ác chống lại loài người, sau khi các thẩm phán điều tra yêu cầu đưa ông này ra xét xử hồi tháng 12/2018.

Luật sư của ông Bucyibaruta cho biết thân chủ của ông sẽ kháng cáo quyết định của Tòa phúc thẩm lên Tòa án Tối cao.

Vụ diệt chủng xảy ra từ tháng 4-7/1994, tại tỉnh Gikongoro, trong đó đa số người Tutsi bị sát hại. Sau vụ việc, ông Bucyibaruta đã trốn khỏi Rwanda và sống lưu vong tại Pháp, nước vốn có quan hệ căng thẳng với Rwanda.

[Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Quốc hội Mỹ công nhận nạn diệt chủng người Armenia]

Gia đình các nạn nhân vụ thảm sát cùng các tổ chức nhân quyền đã gửi đơn tố cáo ông Bucyibaruta vào năm 2000. Cho đến nay, chỉ có rất ít đối tương người Rwanda phải ra hầu tòa liên quan đến vụ thảm sát trên.

Năm 2019, đúng 25 năm sau vụ thảm sát, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ thị thành lập một ủy ban điều tra nhằm làm sáng tỏ vai trò của Pháp trong vụ này. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh người dân Rwanda liên tục cáo buộc Pháp hỗ trợ các lực lượng của người sắc tộc Hutu gây ra vụ thảm sát trên.

Đất nước Rwanda từng chứng kiến nạn diệt chủng ghê rợn giữa hai sắc tộc tại đất nước này. Chỉ trong vòng 100 ngày, có tới trên 800.000 người Tutsi ôn hòa và một số ít người Hutu bị giết, ghi dấu ấn vào một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.

Sau này, Liên hợp quốc chọn ngày 7/4 hằng năm là "Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của vụ diệt chủng ở Rwanda."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục