Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu với người dân tại Mayotte sau siêu bão Chido (Nguồn: Getty)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu với người dân tại Mayotte sau siêu bão Chido (Nguồn: Getty)

Pháp xây dựng "Indo-Pacific" nhằm giải quyết thách thức toàn cầu về đại dương

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt chân đến Mayotte, vùng lãnh thổ hải ngoại chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Chido, ông hiểu rằng đây là lúc chính sách Indo-Pacific của mình đang đi vào thực tế.

Con đường thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc

Hòn đảo nằm ở Ấn Độ Dương, kẹp giữa Madagascar và lục địa châu Phi này là một trong những vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Và theo bà Myriam Saint-Pierre, Vụ phó Vụ châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Pháp, chính sách Indo-Pacific cũng chính là nhằm bảo vệ quyền lợi cho 1,6 triệu công dân nước này sống ở các vùng biển xa xôi giống như Mayotte.

Những vùng lãnh thổ hải ngoại, ngoài Mayotte còn có Reunion, Martinique, Guadeloupe, Guyane, New Caledonia… cũng đem lại lợi thế lớn cho Pháp về địa chính trị và kinh tế. Cũng cần nhắc lại, Pháp là một quốc gia hàng hải lớn, hay nói cách khác là cường quốc đại dương từ hàng trăm năm qua.

Nhờ vị trí địa lý, trông ra Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, cùng các vùng lãnh thổ hải ngoại ở cả Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Caribe, Paris có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Đó là tiền đề thúc đẩy chính sách Indo-Pacific (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) của ông Macron.

Ông Walid Fouque, cố vấn của Tổng thống Pháp về châu Mỹ, châu Á và châu Đại dương cho biết, chính sách Indo-Pacific được ông Macron đưa ra lần đầu vào năm 2018. Học thuyết này coi Paris như một giải pháp thay thế cho cuộc đối đầu trực diện giữa Trung Quốc và Mỹ.

Theo nhận định của tờ Le Figaro, trong những năm gần đây, Pháp được xem là quốc gia thành công trong việc khôi phục lại hình ảnh hòa bình của mình, đứng trung gian dàn xếp các cuộc xung đột, cũng như tái tổ chức cán cân quyền lực trên toàn cầu. Ông Fouque nhấn mạnh, chính sách Indo-Pacific được lập ra nhằm tập trung vào chủ quyền, lợi ích chung toàn cầu và lợi ích kinh tế, được hỗ trợ bởi đối thoại chính trị và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong chuyến thăm Vanuatu (một quốc đảo ở Thái Bình Dương) năm ngoái, ông Macron cũng đã đề xuất “con đường thứ ba” giữa hai cường quốc nói trên. Con đường này được cho là sẽ mang lại một số thành quả tốt nhất, với những hợp tác về cơ sở hạ tầng cảng biển, kết nối vận tải quốc tế, chống biến đổi khí hậu…

iora.jpg
Tổng thư ký Bộ Ngoại giao và Châu Âu Pháp Anne-Marie Descôtes tới Sri Lanka dự lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Hàng hải Khu vực (RCMS) (Nguồn: The Morning)

Thế nên, trong những năm qua, chính quyền của ông Macron đã tăng cường hợp tác hàng hải với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điển hình như chương trình IORA với sáng kiến hợp tác về an ninh hàng hải trong khu vực Ấn Độ Dương, hợp tác cùng với Sri Lanka, chống lại các mối đe dọa như cướp biển và buôn lậu trên biển. Pháp cũng cung cấp các chương trình đào tạo cho lực lượng hàng hải của Sri Lanka, bao gồm đào tạo về kỹ thuật hàng hải, quản lý cảng và vận hành đội tàu.

Hay tại Biển Đông, tàu chiến Pháp cũng thường xuyên ghé thăm Philippines, Việt Nam nhằm thúc đẩy việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS năm 1982. Pháp đã bắt đầu đàm phán với Philippines về một thỏa thuận tiếp cận chung cho phép quân đội hai nước tập trận trên lãnh thổ của nhau, thúc đẩy tự do hàng hải trong khu vực.

Thương mại hàng hài đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu nói chung và Pháp nói riêng. Giá trị hàng hóa của Pháp xuất khẩu qua các cảng biển mỗi năm ước tính lên tới khoảng 100 tỷ euro. Đấy là lý do mà các cơ quan như Trung tâm MICA đóng tại Brest, nơi tiến hành giám sát an ninh trên các vùng biển theo thời gian thực, có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy an toàn và an ninh trên các vùng biển, như đã được đề cập trong bài viết “Nước Pháp nhìn từ đại dương xanh.”

[Mega Story] Nước Pháp nhìn từ đại dương xanh

Nước Pháp nhìn từ đại dương xanh

Một quốc gia lớn mạnh cần phải có chiến lược biển. Chiến lược ấy không chỉ nằm ở những đội tàu chiến hiện đại, mà phải thể hiện trách nhiệm với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh...

Thách thức đòi hỏi sự chung tay

Hiện kinh tế biển, hay còn gọi là “blue economy”, đóng góp khoảng 91 tỷ euro vào GDP của Pháp mỗi năm, chiếm khoảng 2% GDP của xứ sở hình lục lăng. Những ngành nghề liên quan tới biển cả tạo ra khoảng 600.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp, bao gồm các lĩnh vực như kho cảng, vận tải biển, thủy sản, du lịch, dầu khí ngoài khơi, năng lượng tái tạo biển, quan trắc-thăm dò và bảo vệ môi trường biển.

Bà Sacha Capdevielle, phụ trách báo chí của Viện nghiên cứu Ifremer cho biết, hiện Pháp đang đi đầu trong đổi mới sáng tạo của ngành hàng hải, chẳng hạn như Energy Observer, tàu điện chạy bằng năng lượng tái tạo và hydro, được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong tương lai, giống như xe điện trong lĩnh vực giao thông đường bộ vậy.

brest-10.png
Viện Ifremer phát triển và thử nghiệm các công nghệ tiên tiến để thăm dò và khai thác tài nguyên dưới đáy biển, như tàu ngầm tự hành, robot dưới nước và thiết bị đo lường biển sâu.

Ifremer (viết tắt của Institut Français de Recherche pour l'Exploitation de la Mer) nằm trong Campus de la Mer ở Brest, là Viện Nghiên cứu Pháp về Khai thác Biển, một tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ biển. Được thành lập vào năm 1984, Ifremer đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, bảo vệ và khai thác bền vững các tài nguyên biển.

Theo bà Capdevielle, Ifremer nghiên cứu các hệ sinh thái biển và động thái của đại dương để hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu và các tác động của con người lên biển. Viện cũng phát triển và thử nghiệm các công nghệ tiên tiến để thăm dò và khai thác tài nguyên dưới đáy biển, như tàu ngầm tự hành, robot dưới nước và thiết bị đo lường biển sâu. Ifremer hỗ trợ các ngành công nghiệp như nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá, và khai thác năng lượng biển. Mục tiêu dài hạn của Ifremer là hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, tham gia vào các chương trình nghiên cứu toàn cầu về đại dương và các dự án thuộc UNESCO, hỗ trợ cho các quốc gia khác.

Ifremer cũng tham gia hợp tác với Việt Nam trong Chiến dịch hải dương học Pháp-Việt Nam PLUME, tập trung nghiên cứu dòng chảy nước, các hạt chất tự nhiên và nhân tạo từ sông ra biển, tác động đến hệ sinh thái ven biển Việt Nam. Hơn ba mươi nhà khoa học Pháp và Việt Nam sử dụng nhiều thiết bị hiện đại để thu thập dữ liệu về nước, trầm tích, sinh vật phù du, vi nhựa, v.v... Mục tiêu chính là đánh giá sự biến đổi của các quá trình thủy-trầm tích cửa sông, nghiên cứu vận chuyển và phân tán các chất trong nước, và đánh giá tác động của hoạt động con người lên hệ sinh thái ven biển. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp hiểu rõ hơn về các hệ sinh thái ven biển và quản lý bền vững tài nguyên.

Thế nên, đặc sứ của Tổng thống Pháp về đại dương, Olivier Poivre d'Arvor mới cho rằng nước này trở thành cường quốc đại dương không chỉ nhờ vào bờ biển dài và các lãnh thổ hải ngoại, mà còn nhờ viện nghiên cứu. Bởi theo ông d’Avoir thì “chúng ta biết về Mặt trăng còn rõ hơn về đại dương.”

“Nguồn tài nguyên biển vô cùng dồi dào, có nhiều điều mà chúng ta còn chưa khám phá hết dưới làn nước xanh thẳm,” Tiến sĩ Sidonie Revillon, chuyên gia về địa chất đại dương tại Campus cũng đồng tình với nhận định trên. Dồi dào không có nghĩa là vô tận, mà nó đòi hỏi mỗi quốc gia, dù có đường bờ biển dài ngắn khác nhau, đều phải có trách nhiệm.

vnp-dai-su-1706.jpg
Đặc sứ của Tổng thống Pháp về đại dương, Olivier Poivre d'Arvor trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2024 (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đặc sứ d'Arvor, người đồng thời cũng đứng đầu Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Pháp, nhấn mạnh thêm rằng Paris luôn tích cực phát triển các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và an ninh hàng hải. Pháp cũng là thành viên của Hội đồng cấp cao về nền kinh tế đại dương bền vững, nhằm mục đích tạo ra một đại dương lành mạnh có thể giúp giải quyết các thách thức toàn cầu.

Những thách thức ấy đương nhiên đòi hỏi sự chung tay, của tất cả!

"Chúng tôi thấy rằng trong quan hệ hợp tác với Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định. Đơn cử tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (còn gọi là Đại học Việt-Pháp được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp ký ngày 12/11/2009), có rất nhiều nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia về lĩnh vực đại dương là người Pháp."

"Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn có sự hợp tác để làm sao khai thác được nhiều hơn những tàu thăm dò đại dương của Pháp, phục vụ cho công tác thu thập thông tin về vùng biển của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ tham gia vào ủy ban các nhà khoa học quốc tế để đóng góp vào việc tìm hiểu cụ thể hơn về hiện trạng hiện tại của đại dương." - Đặc sứ của Tổng thống Pháp về đại dương, Olivier Poivre d'Arvor nói với VietnamPlus trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2024.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục