Pháp và Tây Ban Nha cải cách thị trường lao động

Bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ của người dân, Pháp và Tây Ban Nha đã công bố cải cách trong nỗ lực nhằm đối phó nguy cơ khủng hoảng.
Ngày 16/6, một ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) và sau nhiều tháng tham vấn, Chính phủ Pháp và Tây Ban Nha đã công bố các cải cách quan trọng trong nỗ lực nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng tài chính đang lan rộng trong Khu vực đồng euro.

Cải cách chế độ hưu trí được xem là một trong những ưu tiên cải cách mà Chính phủ Pháp đã chính thức công bố, theo đó, từ nay đến năm 2018, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động Pháp sẽ được nâng lên 62 tuổi so với quy định hiện hành là 60 tuổi.

Chính phủ Pháp coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia ngày càng tăng đang đe dọa nền kinh tế.

Trong vòng hai năm qua, thâm hụt trong ngân sách hưu trí của Pháp đã tăng gấp ba lần, lên tới 32 tỉ euro trong năm nay và có nguy cơ lên tới 45 tỉ euro vào năm 2020 nếu không có các biện pháp mới để giải quyết tình trạng này.

Bên cạnh cải cách hệ thống hưu trí, Chính phủ Pháp sẽ tăng hoặc áp đặt một số khoản thuế mới, được coi là thuế đánh vào người giàu như thuế chứng khoán, thuế lợi tức và thuế thu nhập.

Đây được xem là những biện pháp cấp thiết nhằm nhanh chóng giảm thâm hụt ngân sách và tăng các khoản thu cho ngân quỹ quốc gia, tiến tới đạt được mức thâm hụt ngân sách 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2013.

Cùng ngày, Nội các Tây Ban Nha đã thông qua sắc lệnh thực thi những biện pháp cải cách thị trường lao động do Bộ Lao động nước này đề xuất nhằm khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế và xoa dịu tâm lý lo ngại về tình hình tài chính công của nước này.

Trong số các biện pháp này có kế hoạch lập quỹ cho mỗi công nhân do chính phủ đỡ đầu mà các công ty có thể dùng để đền bù một phần cho sự gián đoạn việc làm của công nhân trong trường hợp họ bị sa thải. Quỹ này, theo một mô hình đang thực hiện ở Áo, nhiều khả năng được Tây Ban Nha triển khai vào năm 2012.

Kế hoạch trên cũng sẽ hạn chế thời gian làm hợp đồng cố định tới 2 năm, cộng với khả năng gia hạn thêm 1 năm và cho phép các công ty giảm bớt giờ làm của công nhân ở khu vực kinh doanh thay cho việc sa thải công nhân.

Tỉ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha hiện đã lên tới 20% lực lượng lao động, mức thất nghiệp cao thứ hai trong EU, sau Latvia./.

(TTXVN/Vienam+)

Tin cùng chuyên mục