Pháp và Italy tiếp tục gây sức ép trong vấn đề chi tiêu công

Pháp và Italy tiếp tục thúc ép Đức trong vấn đề tăng cường chi tiêu ngân sách để vực dậy nền kinh tế khu vực Eurozone, vốn đang đình trệ và ở bên bờ vực của một cuộc suy thoái mới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: www.telegraph.co.uk)

Tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính diễn ra tại Luxembourg ngày 13/10, Pháp và Italy tiếp tục thúc ép Đức, nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong vấn đề tăng cường chi tiêu ngân sách để vực dậy nền kinh tế khu vực, vốn đang đình trệ và ở bên bờ vực của một cuộc suy thoái mới.

Hy vọng một quỹ đầu tư vào hạ tầng sẽ hình thành với nguồn tiền được huy động từ khu vực công và tư nhân, mặc dù danh sách cụ thể những dự án phát triển tiềm năng của ý tưởng này vẫn chưa được đưa ra.

Trước đó, tại Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra ở Washington hôm 10/10, sáng kiến mang tên "Cơ sở hạ tầng toàn cầu" (GIF) do WB khởi động đã được các bộ trưởng tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nhất trí.

Tuy nhiên, tại hội nghị này, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã loại trừ khả năng “ký séc cấp tiền” cho khu vực Eurozone, khi cho rằng việc đó không thể giúp thúc đẩy kinh tế khu vực.

Ông Schaeuble cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Đức có nguy cơ rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế, đồng thời kêu gọi Pháp và Italy tiếp tục đẩy mạnh những kế hoạch cải cách đang bị ngừng trệ.

Cho đến nay, ông Schaeuble và Thủ tướng Đức Angela Merkel mới chỉ bàn về vấn đề khuyến khích và thúc đẩy đầu tư trong khu vực tư nhân, ví dụ như giảm tệ quan liêu trong kinh doanh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết chính phủ nước này đang xem xét cách thức tăng cường đầu tư vào nền kinh tế, vốn đã giảm 0,2% trong quý II và có thể sẽ tiếp tục suy yếu.

Ngoài ra, theo nguồn tin của Reuters, trong lúc Chính phủ Đức dự kiến sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2014 và năm 2015 vào tuần tới, thì nước Anh cũng tỏ ý quan ngại về tình trạng kinh tế Eurozone trì trệ sẽ tác động tiêu cực lên đà phục hồi của nước này.

Chính phủ Pháp và Italy, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba của Eurozone, đã không được phép tự tăng cường chi tiêu công để thúc đẩy kinh tế do Ủy ban châu Âu coi nợ và thâm hụt ngân sách của hai nước này quá cao.

Hiện các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) đang chờ đợi những thay đổi vào phút chót trong dự thảo ngân sách của Pháp và Italy để giảm thâm hụt ngân sách xuống mức quy định vào năm 2015.

Ông Jyrki Katainen, người sẽ trở thành quan chức EU phụ trách vấn đề việc làm và tăng trưởng vào tháng tới, cho rằng năng lượng, giao thông và Internet băng thông rộng đang là những ưu tiên hàng đầu của Eurozone./.

TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục