Liên minh châu Âu (EU) sẽ gia hạn cho Pháp và Italy đến mùa Xuân 2015 để thực hiện những biện pháp cải cách mạnh mẽ trong bối cảnh Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã kêu gọi Brussels nới lỏng các quy định về thắt chặt chi tiêu.
Quyết định trên, vừa được Ủy ban châu Âu (EC) phê chuẩn cuối ngày 25/11, có thể khiến Đức không hài lòng khi quốc gia này đã tỏ ra mất kiên nhẫn với tiến độ cải cách chậm chạp ở Pháp và Italy.
Tuy vậy, tình hình kinh tế èo uột ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - bị ảnh hưởng bất lợi của tỷ lệ thất nghiệp cao, nguy cơ giảm phát và tăng trưởng ì ạch - đang trở thành mối lo ngại chung của thế giới.
Trong bối cảnh này, OECD vừa lên tiếng khuyến cáo EC cần có sự linh hoạt hơn trong các quy định về ngân sách đối với những nước thành viên EU đang gặp khó khăn như Pháp và Italy để ngăn chặn nguy cơ tái suy thoái kinh tế.
EC dự kiến sẽ công bố quan điểm cụ thể về vấn đề trên vào tuần tới nhưng hiện chỉ mới đưa ra một quyết định sơ bộ mà không đề cập tới những biện pháp thực hiện tiếp theo.
Dự đoán, EC có thể chia các nước thành viên Eurozone thành các nhóm khác nhau, trong đó “cùng đội” với Pháp và Italy còn có cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - được coi như những quốc gia không tuân thủ quy định về ngân sách của EU.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho rằng sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và OECD đã lên tiếng ủng hộ các giải pháp khắc phục thâm hụt ngân sách của nước này, EC cùng nên có sự ủng hộ tương tự./.