Pháp và Italy công bố biện pháp mới nhằm cân bằng ngân sách

Trong bối cảnh đang bị chỉ trích vì không tôn trọng cam kết tài chính với EU, Anh và Pháp ngày 27/10 đã công bố những biện pháp mới nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Pháp và Italy công bố biện pháp mới nhằm cân bằng ngân sách ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: www.telegraph.co.uk)

Trong bối cảnh đang bị chỉ trích vì không tôn trọng cam kết tài chính với Liên minh châu Âu (EU), Chính phủ Pháp ngày 27/10 đã công bố những biện pháp mới trong Dự thảo ngân sách năm 2015 nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin cho biết lộ trình tài chính năm tới chú trọng giảm thâm hụt ngân sách ở mức 3,6 tỷ euro, tương đương 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong giai đoạn năm 2014-2015.

Theo ông Sapin, lãi suất thấp dẫn đến chi phí vay mượn giảm, các biện pháp chống gian lận và tăng thu từ thuế là những yếu tố góp phần làm giảm thâm hụt ngân sách.

Ông nhấn mạnh chính sách của Pháp liên quan kinh tế và tài chính phù hợp với những quy định về sự linh hoạt và có tính đến tình hình kinh tế vĩ mô trong Khu vực sử dụng đồng euro.

Sau khi được gia hạn thêm hai năm từ năm 2013 để khôi phục khu vực tài chính, Pháp cam kết đưa thâm hụt ngân sách nhà nước xuống dưới mức trần 3% GDP do EU đặt ra vào năm 2017.

Tuy nhiên, Dự thảo ngân sách mới do Chính phủ Pháp trình Ủy ban châu Âu (EC) ngày 15/10 vừa qua vẫn dự báo thâm hụt công 4,3% trong năm tới.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Roma, Chính phủ Italy cùng ngày đã cam kết thực hiện các biện pháp để giảm thâm hụt sách xuống dưới mức trần của EU trong năm 2015.

Giải trình trước Ủy viên phụ trách kinh tế của EU, Bộ trưởng Kinh tế Italy Pier Carlo Padoan cho biết các biện pháp giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách trị giá khoảng 4,5 tỷ euro, bao gồm 3,3 tỷ euro lấy từ nguồn vốn phân bổ cho cắt giảm thuế, 0,5 tỷ euro từ quỹ tài trợ của EU và 0,73 tỷ euro từ việc mở rộng cơ chế tính thuế giá trị gia tăng đảo ngược.

Ông Padoan khẳng định Chính phủ Italy sẽ không tiến hành thêm các điều chỉnh, đặc biệt trong bối cảnh GDP của Italy giảm hơn 9% so với năm 2008. Nền kinh tế tiếp tục suy thoái năm thứ ba và có nguy cơ cao bị đình trệ và giảm phát do vậy, Chính phủ phải làm mọi cách để nền kinh tế không bị rơi vào suy thoái năm thứ tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục