Pháp và Đức thúc đẩy thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Pháp cho rằng việc chính quyền Mỹ hạ mức đề xuất áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% đang mở ra một “cơ hội lịch sử” và các nước cần nắm bắt cơ hội này.
Pháp và Đức thúc đẩy thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz (trái) và hình ảnh Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire. (Nguồn: gulf-times.com)

Pháp và Đức đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận “lịch sử” về mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia, hy vọng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn sau khi một số nước châu Âu bày tỏ hoài nghi về kế hoạch này.

Tuần trước, trong các cuộc đàm phán với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi đạt được thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với doanh nghiệp là 15%, thấp hơn nhiều so với mức thuế tối thiểu 21% mà Mỹ đề xuất đối với các công ty đa quốc gia của mình.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, 15% là mức sàn và các cuộc đàm phán nên tiếp tục đẩy mức này lên cao hơn.

Tại cuộc họp báo chung ngày 26/5 trước thềm phiên họp của Hội đồng Kinh tế và Tài chính Pháp-Đức, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng việc chính quyền của Tổng thống Biden hạ mức đề xuất áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đang mở ra một “cơ hội lịch sử” và các nước cần nắm bắt cơ hội này. Ông nhấn mạnh: "Giờ là lúc phải hành động!"

[EU muốn thống nhất các quy định về thuế doanh nghiệp trên toàn khối]

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz bày tỏ lạc quan về cơ hội đạt được một thỏa thuận được cho là sẽ chấm dứt “cuộc cạnh tranh tài chính” giữa các nước. Ông Scholz cho biết: “Chúng tôi đang tiến rất gần đến việc ký kết một thỏa thuận toàn cầu, điều này sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng về thuế doanh nghiệp quốc tế."

Hồi tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu ở Mỹ ở mức 21%. Đây là một nội dung trong đề xuất chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 2.200 tỷ USD của Tổng thống Biden và cũng được xem là mức thuế khởi đầu cho các cuộc đàm phán mới của OECD về thuế tối thiểu toàn cầu.

Một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tiếp tục ủng hộ mức thuế cao nhất có thể trên 15% và đề xuất trên không ảnh hưởng gì đến mức thuế tối thiểu 21% được đề xuất ở Mỹ.

Trong khi đó, Pháp và Đức ủng hộ mức thuế 15%, nhưng nhiều nước khác muốn một mức thuế thấp hơn, khi các cuộc thảo luận trước đó của OECD về vấn đề này chỉ ở mức khoảng 12,5%, bằng mức thuế hiện nay ở Ireland.

Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ Anh cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào về mức thuế doan nghiệp tối thiểu toàn cầu cũng cần đảm bảo các tập đoàn công nghệ lớn phải nộp thuế công bằng.

Theo một nguồn thạo tin tiết lộ ngày 27/5, London nhấn mạnh việc đảm bảo mức thuế mà các doanh nghiệp kỹ thuật số nộp tại Anh phản ánh đúng kết quả kinh doanh của họ.

Dự kiến, tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7 - gồm Đức, Pháp, Anh, Canada, Mỹ, Italy và Nhật Bản) diễn ra vào tuần tới, các nước được cho là sẽ thông qua đề xuất của Mỹ về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục