Pháp và Đức đã nhất trí sẽ đưa ra đề xuất chung về cải cách Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào tháng 3/2018.
Phát biểu ngày 15/12 tại họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ở Brussels (Bỉ), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ hy vọng có thể đạt được tiến triển với Đức về ý tưởng cải cách Eurozone vào tháng 3/2018, khi Đức thành lập được chính phủ liên hiệp mới, cũng như nhất trí về một lộ trình với các nhà lãnh đạo khu vực này vào tháng 6/2018.
Ông Macron nhấn mạnh một nước Đức ổn định và vững mạnh là mong muốn của tất cả các nước nhằm thúc đẩy hội nhập châu Âu, cũng như những quyết sách sau đó.
Nhà lãnh đạo Pháp nêu rõ mục tiêu của hai bên là đạt được một thỏa thuận vào tháng 3/2018 bởi vào thời điểm đó, một bước đi chính trị sẽ được hoàn tất tại Đức và hai nước có khả năng cùng nhau lên kế hoạch cho vấn đề cải cách Eurozone.
[ECB lạc quan thận trọng về tăng trưởng kinh tế của Eurozone]
Về sáng kiến ngân sách Eurozone, Tổng thống Pháp cho biết trong bài phát biểu tháng Chín vừa qua, ông đã không đề cập đến quy mô ngân sách.
Về phần mình, Thủ tướng Merkel cho rằng hai bên cần thống nhất quan điểm chung về vấn đề cải cách Eurozone bởi châu Âu cần điều này.
Theo bà, các cải cách nên tập trung vào thúc đẩy tính cạnh tranh của liên minh tiền tệ chung gồm 19 quốc gia này, đồng thời nhấn mạnh tiền bạc không thể giải quyết mọi vấn đề.
Trước đó, ngày 6/12 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố tầm nhìn về cải tổ Eurozone, trong đó bao gồm việc thành lập một phiên bản Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) của châu Âu.
Theo đó, EC đề xuất thành lập một quỹ tiền tệ của riêng mình để có thể thay thế IMF trong mọi chương trình cứu trợ tài chính trong tương lai của Eurozone cũng như hỗ trợ đầu tư.
Phiên bản Quỹ Tiền tệ của châu Âu này được xây dựng từ Cơ chế Bình ổn châu Âu, cơ quan cứu trợ hiện tại của Eurozone. Ngoài ra, EC cũng đề xuất bổ nhiệm một Bộ trưởng Tài chính và kinh tế của Eurozone.
Gói đề xuất trên được EC soạn thảo nhằm thúc đẩy sự đoàn kết trong Liên minh châu Âu (EU) trong một thị trường đơn nhất với một đơn vị tiền tệ chung, trong bối cảnh tâm lý chống EU trên khắp châu Âu đang ngày càng gia tăng và việc Anh chính thức rời khỏi EU vào năm 2019.
Thất bại trong đàm phán thành lập chính phủ liên minh tại Đức, dẫn tới khả năng tổ chức bầu cử lại đã dấy lên nhiều lo ngại nền kinh tế đầu tàu của EU sẽ bị tê liệt ngay khi liên minh còn đang chuẩn bị khởi động kế hoạch cải cách đầy tham vọng theo đề xuất của Tổng thống Pháp Macron.
Lo ngại này càng có cơ sở khi Thủ tướng Merkel, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất, góp phần tạo sức nặng cho kế hoạch này, chưa thể đảm bảo được vị trí lãnh đạo của mình tại Đức./.