Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ trình bày một kế hoạch chung để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) từ khủng hoảng COVID-19 trong ngày 18/5 (giờ địa phương), sau nhiều tuần tranh luận về cách triển khai gói cứu trợ trị giá hàng tỷ euro để nhanh chóng chấm dứt đà suy thoái kinh tế.
Châu Âu mới bắt đầu mở cửa trở lại sau một thời gian dài áp dụng các lệnh phong tỏa xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, vốn gây tổn thương nặng nề cho các nền kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, mặc dù có sự thừa nhận rộng rãi rằng các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 sẽ không thể tự khắc phục những thiệt hại kinh tế, thì sự chia rẽ giữa các thành viên EU về việc đưa ra một phương hướng tổng thể cho tới nay đã cản trở những hành động toàn diện để giải quyết tình hình hiện nay. Các nước Bắc Âu không muốn thâm hụt ngân sách phình lên, trong khi các nước phía Nam châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề như Italy và Tây Ban Nha đang tuyệt vọng đẩy mạnh chi tiêu.
[EU quan ngại về hệ lụy từ chính sách hỗ trợ COVID-19 không nhất quán]
EU đã cam kết huy động 500 tỷ euro (540 tỷ USD) cho quỹ cứu trợ khẩn cấp và Ủy ban châu Âu (EC) đang đề xuất một gói ngân sách khác có thể được sử dụng để “giải phóng” gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỷ euro. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cam kết sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để giúp các nước thành viên vượt qua khủng hoảng, bao gồm chương trình trị giá 750 tỷ euro để mua trái phiếu chính phủ cho các quốc gia cạn tiền mặt. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối của Tòa án hiến pháp Đức, do đó rất có thể sẽ không có sự tham gia của Berlin.
Ông Macron và bà Merkel đang xác định một “sáng kiến Pháp-Đức” nhằm ứng phó với khủng hoảng COVID-19 ở phạm vi châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, phục hồi kinh tế, môi trường, chuyển đổi kỹ thuật số.../.