Pháp và Ấn Độ cùng cam kết sẽ nỗ lực bảo vệ Trái Đất

Ấn Độ khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái Đất, trong khi Pháp tuyên bố tuân thủ đầy đủ các cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: ndtv.com) 

Cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chung nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, song song với tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và chống khủng bố, là những nội dung chính của cuộc hội đàm ngày 3/6 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống nước chủ nhà Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Paris.

Phát biểu với báo giới sau hội đàm, Thủ tướng Modi khẳng định Ấn Độ sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái Đất, thực hiện các cam kết trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố Paris tuân thủ đầy đủ các cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

[LHQ: Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris khiến nhiệt độ tăng thêm 0,3 độ C]

Tổng thống Macron cũng cho biết ông sẽ thăm Ấn Độ cuối năm nay khi tham dự một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về năng lượng mặt trời, một lĩnh vực mà Pháp có ý định mở rộng hợp tác với cường quốc châu Á này.

Các tuyên bố trên của hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Pháp được đưa ra hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, bước đi giúp ông hiện thực hóa cam kết tranh cử song sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất.

Động thái này đã ngay lập tức vấp phải những phản ứng từ trong nội bộ chính giới nước Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Macron cho rằng hiệp định này là “nền tảng hợp tác giữa các nước nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu một cách có hiệu quả và kịp thời.”

Lãnh đạo 3 nước Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung khẳng định hiệp định này sẽ không thể được đàm phán lại.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 195 nước thành viên.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn bản quốc tế có sự tham gia mạnh mẽ và đông đảo như vậy, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu.

Hiệp định này quy định tất cả các nước thành viên phải đề ra một mục tiêu rõ ràng nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo quy định, một nước thành viên có thể chính thức rút khỏi hiệp định sớm nhất là tháng 11/2020. Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo tại Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục