Ủy ban Điều tiết năng lượng (CRE) của Pháp ngày 5/10 ra tuyên bố cho biết kho dự trữ khí tự nhiên của nước này đã đầy, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng vẫn nên giảm sử dụng năng lượng khi châu Âu chuẩn bị đón một mùa Đông không có khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Tuyên bố của CRE nêu rõ: “Chương trình đổ đầy kho dự trữ khí đốt cho mùa Đông 2022-23 đã hoàn tất, mức dự trữ hiện là hơn 99%.”
Pháp đã trở thành nước thứ ba trong Liên minh châu Âu (EU), sau Bỉ và Bồ Đào Nha, tối ưu hóa kho dự trữ khí tự nhiên, trước thời điểm hạn chót mà chính phủ đặt ra là tháng 11 tới.
Trên khắp EU, dự trữ khí tự nhiên trung bình ở mức 89%. Kể từ khi bùng phát xung đột tại Ukraine, các nước đã mất nhiều tháng để tìm nguồn nhiên liệu thay thế, trong đó có nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Theo CRE, với 130 terawatt giờ (TWh) khí đốt trong kho dự trữ, cao hơn mức trung bình trong nhiều năm qua, nguồn cung của Pháp đủ đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu tiêu dùng trong mùa Đông cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các hộ gia đình.
Tuy nhiên, CRE cũng kêu gọi “nỗ lực lớn của toàn dân nhằm giảm tiêu thụ năng lượng” vì nguồn cung vẫn sẽ căng thẳng tùy thuộc vào điều kiện khí hậu mùa Đông.
[Khả năng châu Âu tránh được 'thảm họa khí đốt' trong mùa Đông năm nay]
CRE nhấn mạnh chính phủ, các cơ quan địa phương cùng với các doanh nghiệp và người dân cần phải đóng góp vào nỗ lực chung này.
Về phần mình, các công ty lưu kho khí tự nhiên Storengy và Terega đã ra tuyên bố chung khẳng định: “Để chuẩn bị cho các tình huống căng thẳng trong những tháng tới, cần sử dụng hợp lý lượng khí dự trữ và nỗ lực giảm tiêu thụ năng lượng ngay lập tức.”
Nga đã cắt nguồn cung khí tự nhiên đến Pháp từ ngày 1/9. Paris dự kiến trình kế hoạch hạn chế sử dụng năng lượng vào ngày 6/10 tới nhằm giảm 10% lượng tiêu thụ trong 2 năm.
Hướng đến những tháng tới, Storengy và Terega cho biết nguồn cung khí đốt của nước này sẽ vẫn ở mức đủ cho một mùa Đông bình thường dù không dư giả, nhưng nếu xảy ra lạnh kéo dài hoặc nghiêm trọng sẽ dẫn tới thiếu khoảng 5% nhu cầu, buộc phải áp dụng các biện pháp cắt giảm sử dụng./.