Ngày 13/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của loạt vụ khủng bố ở thủ đô Paris xảy ra cách đây tròn 2 năm.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ông Macron đến đặt vòng hoa tại sân vân động Stade de France ở Saint-Denis phía Bắc Paris, trước khi ghé thăm các nhà hàng và quán cà phê tại quận 10 và 11 từng hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố.
Cuối cùng, Tổng thống Macron sẽ đến phòng hòa nhạc Bataclan tại quận 11, nơi đã diễn ra vụ xả súng đẫm máu.
Ông sẽ đi cùng với cựu Tổng thống François Hollande, người lãnh đạo nước Pháp khi xảy ra loạt vụ khủng bố khiến 130 người chết.
Theo nguồn tin chính thức, sẽ không có diễn văn chính thức của Tổng thống Macron mà chỉ có nghi thức đặt hoa và một phút mặc niệm. An ninh đã được thắt chặt tại các địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm.
Quỹ bảo lãnh các nạn nhân khủng bố và các tội phạm khác (FGTI) mới đây thông báo 2.579 nạn nhân trực tiếp và gián tiếp các cuộc tấn công khủng bố tại Paris đã nhận được bồi thường.
Trong số đó có 1.218 nạn nhân bị sang chấn tâm lý, 576 nạn nhân bị thương và 758 thân nhân của nạn nhân đã qua đời. Tổng số tiền bồi thường lên đến 64 triệu euro.
Quỹ FGTI được thành lập vào năm 1986, khi Pháp phải đối mặt với nguy cơ khủng bố. Quỹ được tài trợ bằng thuế đối với các hợp đồng bảo hiểm.
Loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại thủ đô Paris vào đêm 13/11/2015 đã xảy ra đồng loạt tại 6 địa điểm, gồm nhà hát Bataclan, sân vận động Stade de France, phố Charonne, phố Alibert, phố Fontaine au Roi và Đại lộ Voltaire, làm 130 người thiệt mạng và 413 người bị thương.
Tròn 2 năm kể từ sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris, cuộc điều tra của ngành tư pháp Pháp nhằm đưa các đối tượng tình nghi liên quan ra trước vành móng ngựa vẫn rơi vào bế tắc.
Nghi phạm duy nhất còn sống là Salah Abdeslam, một công dân Pháp gốc Maroc 28 tuổi, được cho là một trong những kẻ chủ mưu gây ra các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris.
Abdeslam nằm trong diện điều tra chính thức và hiện bị giam giữ ở khu vực Fleury-Mérogis thuộc Paris. Tuy nhiên, trong quá trình lấy lời khai, đối tượng này luôn giữ im lặng và hiện y cũng không có luật sư. Điều này đã gây trở ngại cho quá trình điều tra.
Gia đình của một nạn nhân trong loạt vụ tấn công ở Paris cho biết lần duy nhất Abdeslam mở lời là khi hắn nói với một thẩm phán rằng hắn đồng ý tới Bỉ.
Theo kế hoạch, Abdeslam sẽ được đưa tới Bỉ để trình diện trước phiên xét xử vào tháng 12 tới liên quan tới một vụ nổ súng khác.
Trong khi đó, các cơ quan tư pháp Pháp lo ngại nghi can này có thể sẽ tìm cách tự sát, mặc dù lực lượng chức năng đã áp dụng các biện pháp giám sát nghiêm ngặt y trong phòng biệt giam.
Salah Abdeslam đã bị bắt giữ hôm 18/3/2016, bốn tháng sau loạt vụ đánh bom và nổ súng tại Paris. Các công tố viên Pháp tin rằng đối tượng này đã tiếp tay cho những kẻ khủng bố gây ra vụ tấn công ngày 13/11/2015 ở Pháp.
Cơ quan chống khủng bố của Paris cho rằng phải mất nhiều thời gian mới có thể đi đến kết luận cuối cùng về loạt vụ khủng bố diễn ra vào đêm 13/11/2015. Ngoài Abdeslam, hiện có 5 đối tượng bị giam giữ tại Pháp, trong khi 4 nghi can khác bị giam giữ tại Bỉ và 1 nghi can bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
[Nghi phạm khủng bố Abdeslam muốn tham gia phiên xét xử tại Bỉ]
Trong số đó có Ahmed Dahmanim, người Bỉ gốc Maroc, là bạn niên thiếu của Abdelslam và Mohammed Abrini - "người đàn ông đội mũ" trong các vụ đánh bom ở Bỉ.
Dahmanim bị tình nghi là chủ mưu các vụ tấn công khủng bố ở Paris, song lại bị bỏ sót trong hồ sơ điều tra của lực lượng chức năng Pháp.
Đối tượng này hiện đang thụ án 10 năm tù giam ở Thổ Nhĩ Kỳ với tội danh tham gia một tổ chức khủng bố.
Pháp đã chính thức yêu cầu dẫn độ đối tượng Dahmanim về Pháp với lý do đối tượng này có thể giúp ích cho tiến trình điều tra nếu hắn hợp tác.
Trong khi đó, theo một nguồn tin tại Pháp, Thẩm phán Tessier thụ lý vụ án có thể sẽ kết thúc cuộc điều tra vào năm 2019. Phiên tòa xét xử các đối tượng tình nghi sẽ không diễn ra trước năm 2020, tức là 5 năm sau loạt vụ tấn công kinh hoàng nói trên./.