Pháp trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba EU của Trung Quốc

Trong hợp tác kinh tế thương mại song phương, Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong EU, ngược lại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Pháp trên thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống nước Cộng hòa Serbia Nemanja Vucic, Tổng thống Hungary Sulyok Tamas và Thủ tướng Hungary Orban, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới ba nước trên từ ngày 5-10/5 tới.

Trong chuyến thăm kéo dài 6 ngày đến châu Âu, Pháp là điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của ông Tập Cận Bình đến Pháp sau 5 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong những năm gần đây, hai nước đã tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Hiện nay Pháp đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU) và đóng vai trò dẫn đầu trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc-EU.

Trong hợp tác kinh tế thương mại song phương, Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong EU, ngược lại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Pháp trên thế giới, chỉ sau Đức, Bỉ và Italy.

Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Pháp đạt 78,9 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Pháp là 41,6 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu từ Pháp là 37,3 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư, theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến cuối năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Pháp đối với Trung Quốc đạt 21,64 tỷ USD, chỉ đứng sau Đức và Hà Lan trong số các quốc gia thành viên EU. Hiện nay, đầu tư của Pháp vào Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như xe điện, mỹ phẩm, nông sản, năng lượng hydro, hàng không vũ trụ...

Ở chiều ngược lại, vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Pháp là 4,84 tỷ USD; các lĩnh vực đầu tư chủ yếu bao gồm chế tạo, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, ngân hàng, khách sạn, du lịch... Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tích cực hợp tác với Pháp trong lĩnh vực năng lượng mới và tham gia xây dựng “Thung lũng pin điện châu Âu” của Pháp.

Phía Trung Quốc mong muốn cùng hợp tác với Pháp, coi chuyến thăm này là cơ hội để phát huy truyền thống tốt đẹp, tích cực hướng tới tương lai, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị lẫn nhau, tăng cường đoàn kết và hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Pháp lên một tầm cao mới, tạo xung lực mới cho quan hệ Trung Quốc-EU phát triển lành mạnh và ổn định, đóng góp mới vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và tiến bộ trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục