Pháp triển khai 12.000 cảnh sát tăng cường thực thi lệnh giới nghiêm

Lệnh giới nghiêm nhằm ứng phó với làn sóng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai đang hoành hành tại Pháp, sẽ ảnh hưởng tới khoảng 20 triệu người, chiếm gần 1/3 dân số nước này.
Cảnh vắng vẻ tại quầy bán vé của một viện bảo tàng ở Paris, Pháp trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/10, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết nước này sẽ triển khai 12.000 nhân viên cảnh sát nhằm tăng cường thực thi lệnh giới nghiêm ở nhiều thành phố lớn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17/10.

Trước đó, ngày 14/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ban hành lệnh giới nghiêm ở Paris, Toulouse, Marseille, Montpellier, Grenoble, Rouen, Lille, Lyon và Saint-Etienne nhằm ứng phó với làn sóng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai đang hoành hành tại nước này.

Lệnh giới nghiêm sẽ ảnh hưởng tới khoảng 20 triệu người, chiếm gần 1/3 dân số nước này. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt 135 euro.

[Dịch căng thẳng, Pháp lại áp đặt lệnh giới nghiêm trong vòng bốn tuần]

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cam kết hỗ trợ thêm 1 tỷ euro (1,17 tỷ USD) cho các doanh nghiệp hoạt động khó khăn do tác động của lệnh giới nghiêm này.

Theo Bộ trưởng Le Maire, các công ty hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng sẽ được miễn các chi phí xã hội nếu doanh thu của các công ty này giảm hơn 50% do tác động của lệnh giới nghiêm vốn ước tính gây thiệt hại khoảng 1 tỷ euro.

Ông Le Maire cũng cho biết đang yêu cầu các ngân hàng cho các công ty này hoãn trả lãi đối với các khoản cho vay được nhà nước bảo đảm.

Theo worldometers.info, tính đến thời điểm hiện tại, Pháp ghi nhận tổng cộng 779.063 ca mắc COVID-19, trong đó có 33.037 ca tử vong.

Cùng ngày, Hiệp hội các bệnh viện ở Hà Lan LNAZ cho biết sẽ yêu cầu các bệnh viện ở Đức tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của nước này sau khi số bệnh nhân phải nhập viện ở Hà Lan đã tăng gấp đôi trong tuần qua lên tới 1.526 người.

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Hiệp hội trên cho biết sẽ lại yêu cầu các bệnh viện ở Đức tiếp nhận bệnh nhân từ Hà Lan. Trong thời gian diễn ra làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên, các bệnh viện ở Hà Lan đã chuyển một số bệnh nhân COVID-19 tới Đức.

Hà Lan hiện đang áp đặt lệnh phong tỏa một phần sau khi trở thành một trong những "điểm nóng" dịch bệnh ở châu Âu do số ca nhiễm mới hầu như mỗi ngày đều tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 9 và tăng gấp đôi trong vòng 3 tuần qua.

Tình hình này đã buộc các bệnh viện phải giảm hoạt động khám chữa bệnh thông thường trong khi một số phòng cấp cứu phải đóng cửa tạm thời để phục vụ bệnh nhân COVID-19.

Chính phủ Hà Lan đã đóng cửa toàn bộ các quán bar, nhà hàng trong ít nhất 4 tuần, bắt đầu từ tối 14/10, hạn chế số quy mô các cuộc tụ tập và yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang trong các không gian công cộng trong nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục