Ngày 7/4, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 đã tổ chức cuộc gặp nhân Ngày thế giới tưởng nhớ các nạn nhân của nạn diệt chủng ở Rwanda (7/4/1994) với sự tham gia của đông đảo các vị đại sứ, đại diện các quốc gia thành viên.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho hay sự kiện đau lòng xảy ra cách đây 21 năm, khiến hơn 800.000 người thiệt mạng ở Rwanda, mãi mãi là tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người phải luôn cảnh giác và cùng nhau hành động, ngăn chặn kịp thời để không bao giờ được lặp lại những hành động tương tự.
Theo ông, năm nay, sự kiện này được nhắc lại khi Liên hợp quốc đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày thành lập.
Điều này càng có ý nghĩa thực tế hơn vì là dịp để cộng đồng thế giới cùng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh vì quyền con người, bảo vệ con người, không bao giờ cho phép những hành động diệt chủng được lặp lại.
Ông Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại trước thực tế hiện vẫn có nhiều quốc gia và nhiều cộng đồng dân cư đang phải đối mặt với những vấn đề cấp bách liên quan tới trật tự, an ninh.
Tại nhiều nơi, các cuộc xung đột đẫm máu tiếp tục diễn ra, khiến nhiều dân thường tiếp tục trở thành nạn nhân; trong khi nền kinh tế, văn hóa của đất nước, của các cộng đồng dân cư tiếp tục bị phá hủy.
Ông kêu gọi các quốc gia, các phe phái tham gia xung đột cùng kiềm chế, sớm tìm ra giải pháp thỏa đáng, chấm dứt xung đột, để giảm bớt đau thương, mất mát cho những người dân vô tội.
Liên quan đến vụ thảm sát tại Rwanda, Pháp đã quyết định tiết lộ các tài liệu trong kho dữ liệu phủ tổng thống liên quan đến nạn diệt chủng vào năm 1994 tại quốc gia Trung Phi này.
Động thái này được cho là nhằm chứng minh Paris không hề có liên hệ với hành động tàn bạo này như cáo buộc mà Kigali từng đưa ra trước đó.
Nguồn tin thân cận của Tổng thống Francois Hollande cho hay nhà lãnh đạo Pháp đã ký quyết định công bố tài liệu trên vào ngày 6/4, bao gồm các tài liệu liên quan đến Rwanda từ năm 1990 đến năm 1995.
Trong tập tài liệu này, có giấy tờ của các cố vấn quân sự và ngoại giao, biên bản các cuộc gặp cấp bộ trưởng và giới chức quốc phòng.
Toàn bộ tài liệu này là nhằm phục vụ cho giới nghiên cứu và các tổ chức những nạn nhân trong vụ thảm sát năm 1994.
Quan hệ ngoại giao Pháp-Rwanda trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Rwanda Paul Kagame vào năm ngoái cáo buộc Paris hỗ trợ Chính phủ Rwanda thời bấy giờ do người Tutu lãnh đạo trong vụ thảm sát hàng trăm nghìn người bộ tộc Tutsis.
Tuy nhiên, Pháp đã nhiều lần bác bỏ lời cáo buộc trên và khẳng đinh lực lượng Pháp có mặt tại Rwanda vào thời điểm đó chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ dân thường. Quan hệ hai nước đóng băng trong 3 năm liền (từ năm 2006 đến năm 2009)./.