Festival Huế lần thứ X-2018 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản" diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 27/4-2/5/2018.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2018 cho biết cũng như qua 9 kỳ trước đây, lần này, Cộng hòa Pháp vẫn là đối tác chính, khi mang đến Festival Huế 2018 cùng lúc Ban nhạc rock Lysistrata; nhóm beatbox/acapella Berywam và triển lãm truyện tranh của Vùng Nouvelle Aquitaine.
Festival Huế khởi đầu từ năm 2000, ban đầu là liên hoan nghệ thuật Pháp-Việt do Cộng hòa Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp với thành phố Huế tổ chức, với chủ đề: "Huế - thành phố của nghệ thuật sống."
Nhóm chuyên gia kỹ thuật Việt-Pháp lúc bấy giờ đã tổ chức Festival Huế theo hướng là một sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam, vừa có quy mô quốc gia và có tính quốc tế, thu hút sự tham gia của các vùng văn hóa tiêu biểu ở Việt Nam và tiếp cận với nghệ thuật đương đại của Pháp, gắn mở rộng giao lưu văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, từng bước tiếp thu công nghệ Festival quốc tế, xây dựng Huế xứng đáng là thành phố Festival của Việt Nam.
[Festival Huế 2018 thu hút các đoàn nghệ thuật của 21 quốc gia]
Ngay lần đầu tổ chức, Festival Huế 2000, với sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1.000 nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự Festival, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6.000 lượt khách quốc tế.
Gần đây nhất, tại Festival Huế 2016, Cộng hòa Pháp tiếp tục là đối tác chính khi đại diện Vùng Poitou Charentes cử đoàn nghệ thuật L’Homme Debout tham dự với vở diễn quy mô có tên gọi là "Venus."
Vở diễn này, ngoài sự tham gia của các nghệ sỹ Pháp, cần sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, người dân Việt Nam để tạo nên chương trình nghệ thuật hấp dẫn và đặc sắc.
Cùng với việc đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống tại các kỳ Festival Huế, hai bên còn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, theo đó, Vùng Poitou Charentes đã tài trợ hơn 11 tỷ đồng giúp Thừa Thiên-Huế triển khai dự án "Phát triển du lịch sinh thái tại tỉnh Thừa Thiên-Huế."
Dự án do trường Cao đẳng nghề du lịch Huế tiếp nhận, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp triển khai thực hiện.
Dự án tập trung thực hiện tại thành phố Huế và huyện Nam Đông với mục tiêu hỗ trợ du lịch Thừa Thiên-Huế phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh, gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là quần thể di tích Cố đô Huế; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường tạo bước đột phá với những mô hình phát triển mới, mang tính khác biệt.
Vùng Poitou Charentes còn tài trợ 500 triệu đồng xây dựng nhà Gươl tại xã Thượng Nhật, huyện miền núi Nam Đông phục vụ nhu cầu lưu trú cho khách du lịch khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Ngoài Cộng hòa Pháp, hiện Festival Huế 2018 còn thu hút 21 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Anh, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Pháp, Bỉ, Trung Quốc… mang đến cho lễ hội nhiều chương trình nghệ thuật tiêu biểu, phong phú đa sắc màu.
Điểm nhấn là Huế có 5 di sản thế giới được UNESCO công nhận gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế; đồng thời, có hai Di sản phi vật thể cấp quốc gia là ca Huế và dệt Dèng (A Lưới).
Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, mang bản sắc đặc trưng để giới thiệu tới công chúng và bạn bè quốc tế. Chính việc quảng bá hình ảnh "Huế 1 điểm đến 5 di sản" đã tạo nên nét mới trong Festival Huế 2018.
Năm nay, tại không gian của Đại nội về đêm, chương trình sân khấu hóa với tên gọi "Văn hiến kinh kỳ" được kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, pháo hoa kỹ thuật cùng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu.
Những sự kiện diễn ra tại Festival Huế 2018 sẽ tập trung nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.
Chương trình sân khấu hóa với tên gọi "Văn hiến kinh kỳ" triển khai trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện liên quan, để làm nổi bật 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Các tiết mục và các chương được kết nối với nhau bằng thủ pháp đồng hiện, làm bật lên chủ đề di sản được khai mở, phát triển theo lịch sử. Đây sẽ là điểm nhấn thú vị và ấn tượng trong các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2018.
Trong khuôn khổ Festival Huế 2018 còn có Liên hoan "Hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc" từ ngày 26-28/4/2018, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức; chương trình nghệ thuật "Tỏa sáng niềm tin" của Phật giáo Thừa Thiên-Huế; chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn...
Một số các sự kiện, chương trình hưởng ứng Festival cùng lúc được tổ chức như Festival Khoa học lần thứ 5 (do Đại học Y Dược Huế tổ chức); Liên hoan Ẩm thực quốc tế; Hội chợ "Thương mại quốc tế Festival Huế 2018"; Lễ hội "Hương xưa làng Cổ" (tại làng cổ Phước Tích-huyện Phong Điền); Lễ hội "Sóng nước Tam Giang" (tại huyện Quảng Điền); Festival Thơ Huế.../.